Sáng 6/6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn dành cho 4 thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung là người đầu tiên đăng đàn.
Bộ trưởng LĐTBXH thông tin trong quý I, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,9 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập các ngành thâm dụng như dệt may đạt 7,2 triệu đồng; chế biến gỗ đạt 7,4 triệu đồng; điện tử đạt 9 triệu đồng.
Nhìn vào bức tranh lao động trong thời gian tới, ông Dung cho biết tình hình sản xuất kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các ngành thâm dụng lao động như giày da, xuất khẩu. Tỷ lệ lao động thất nghiệp sẽ gia tăng, tuy nhiên không nhiều. Ông Dung cũng khẳng định tình trạng khó khăn này vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát.
Người lao động bị lừa chủ yếu do đi theo công ty "ma"
Trả lời vấn đề lao động xuất khẩu ở một số thị trường bỏ trốn ở lại, Bộ trưởng Dung nhận định tình trạng này không bức xúc như giai đoạn năm 2017. Sau nhiều biện pháp ở cả chính quyền Việt Nam và nước bạn, tình trạng lao động ở Hàn Quốc hết hợp đồng không về nước giảm còn 24,6%, thuộc diện các quốc gia có tỷ lệ thấp.
Đại biểu Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề số lao động đi nước ngoài làm việc tăng nhanh, tuy nhiên số lượng người bị lừa cũng rất cao.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Dung thông tin trong năm 2022, có khoảng 142.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, tập trung ở các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Ông nhìn nhận phần đông người lao động bị lừa khi đi theo các công ty "ma", không được cấp phép, có dấu hiệu lừa đảo.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã giải quyết được 62 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 4 đơn vị. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra công tác này.
Bộ trưởng Dung nhận định "thị trường lao động ở Việt Nam còn non trẻ", song thời gian qua, đã có những bước hình thành và phát triển tương đối nhanh về cơ cấu, quy mô, sự phát triển.
Ông Dung cũng nhìn nhận số lượng lao động có kỹ năng còn thấp. Tính đến quý I, số lao động đã qua đào tạo chiếm 75%, số người có bằng cấp đạt 26,4%. Ngoài ra, cơ cấu lực lượng lao động cũng chưa cân đối.
Về nguyên nhân năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp, Bộ trưởng Dung nêu yếu tố vốn, hạn chế về công nghệ và trình độ kỹ năng của người lao động.
Cụ thể, năng suất lao động thấp do lực lượng lao động phân bố ở khu vực nông nghiệp cao, làm ra nhiều sản phẩm nhưng giá trị thương mại thấp. Ngoài ra, quy mô lao động Việt Nam lớn, một công việc san sẻ 2-3 người làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Ông Dung không đồng tình với ý kiến năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước xung quanh như Lào, Campuchia. Bộ trưởng cho biết thời gian tới, thị trường lao động sẽ được cơ cấu lại; đồng thời cần nâng cao chất lượng bồi dưỡng nguồn nhân lực, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động.
Đề xuất lập Quỹ hỗ trợ lao động mất việc
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Dung nhìn nhận thực trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong năm 2022 và đầu năm 2023. Tình trạng này đã tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn diện.
Về đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ lao động mất việc, ông Dung cho biết sẽ "suy nghĩ thấu đáo", đồng thời đánh giá kỹ các tác động, hiệu quả. Bộ trưởng LĐTBXH đánh giá việc thành lập quỹ chỉ là một trong những giải pháp. Việc giải quyết tình trạng người lao động rút bảo hiểm đòi hỏi các đơn vị phải thực hiện nhiều giải pháp, nhất là tạo công việc có thu nhập tốt hơn, điều chỉnh phù hợp các chính sách.
Trước vấn đề chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Dung thông tin trong năm 2022, tổng số tiền chậm và trốn đóng BHXH là hơn 8.500 tỷ đồng, tăng 2,69% so với năm trước. Trong đó, hơn 26.000 đơn vị doanh nghiệp chậm và trốn đóng, ảnh hưởng đến 206.000 người lao động.
Để giải quyết, ông Dung cho biết sẽ chỉ đạo thực hiện theo nguyên tắc người lao động đóng đến đâu, thực hiện chính sách đến đó, tạo điều kiện cho người lao động ở các đơn vị mới được tiếp tục đóng hoặc bảo lưu.
Về xử lý các trường hợp trốn đóng BHXH, tạo hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, ông Dung nhận định tình trạng này đã được xử lý quyết liệt. Do đó, tỷ lệ chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giảm chỉ còn hơn 3% trong năm 2022.
Đại biểu Mai Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề cơ quan BHXH thu sai với chủ hộ kinh doanh. Ông Dung cho biết tình trạng này đã diễn ra trong thời gian 2003-2016. Bộ LĐTBXH đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra, hiện nay, tình trạng đã được chấn chỉnh và giải quyết cơ bản.
Quan điểm là phải đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi, tiến hành xử lý
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
"Quan điểm là phải đặt lợi ích của người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi, tiến hành xử lý", ông Dung nói, đồng thời cho biết giải pháp là chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh sang đóng bảo hiểm bắt buộc. Trường hợp hộ kinh doanh không muốn hoặc không có nhu cầu, sẽ chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp xấu nhất thì phải tiến hành thoái thu, trong đó tính lãi bằng lãi tăng trưởng của quỹ bảo hiểm.
Ông Dung nhận định chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi vụ thu sai BHXH đối với các chủ hộ kinh doanh.
Bộ trưởng khẳng định đã đưa trường hợp này vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc tại dự án Luật BHXH sửa đổi. Đồng thời, ông cũng kiến nghị trong kết luận chất vấn, có thể bổ sung cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cho người lao động như cộng nối thời gian đóng BHXH.