Phát biểu trong phiên họp tổ của Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (Bình Định) đánh giá vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai dự án; sử dụng vốn đầu tư công cho sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình... đang là rào cản cho sự phát triển.
"Các vướng mắc trên cần phải được tháo gỡ bằng cách thực hiện một luật sửa nhiều luật, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội để từ đó trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa, tháo gỡ", Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng đề xuất sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
"Theo đó, các địa phương sẽ không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên", ông nói và cho biết Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo của Quốc hội về vấn đề này.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
"Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của các bộ, ngành, địa phương. Bởi hiện nay, sửa chữa một cái hàng rào thì cũng phải chờ vốn đầu tư công, là không thể thực hiện được", người đứng đầu ngành Tài chính nhìn nhận.
Ông cho biết Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và được sự đồng thuận của tất cả bộ, ngành, địa phương, song Ủy ban Tài chính Ngân sách đã bác đề nghị này và yêu cầu phải thực hiện theo Luật, nếu vướng mắc thì đề xuất sửa Luật Đầu tư công.
"Nghị quyết trình ra Quốc hội chỉ vài dòng thôi, sẽ tháo gỡ được các vướng mắc này của các bộ, ngành, địa phương. Về thẩm quyền, Bộ Tài chính tham mưu làm hết trách nhiệm của mình vì công việc chung", Bộ trưởng Tài chính thẳng thắn chia sẻ.
Liên quan đến vướng mắc trong giải ngân mà câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn chưa giải quyết được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải sửa Luật Đầu tư công, bởi hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều vướng với quy định, có vốn mới được lập dự án và phải có dự án mới có vốn.
Năm 2023, các bộ ngành, địa phương được giao trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng 140.000 tỷ so với năm ngoái và 260.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 phân bổ cho 5 địa phương gồm: TP.HCM, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long) tương đối lớn (hơn 92.000 tỷ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, đến hết quý I, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn ở mức thấp dưới trung bình cả nước.