Trước thềm Hội nghị trực tuyến về bất động sản do Thủ tướng chủ trì vào sáng 17/2, Bộ Xây dựng đánh giá, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn huy động từ khách hàng dẫn đến phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
Đồng thời, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm,… dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.
Nguyên nhân là do các ngân hàng hết hạn mức cho vay, đồng thời với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua bất động sản không được giải ngân cho vay thậm chí trước đó đã ký hợp đồng thỏa thuận cho vay của ngân hàng dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư do các ngân hàng hết hạn mức cho vay và thận trọng hơn, hạn chế, giảm tỷ lệ cho vay đối với bất động sản.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng (NHNN thực hiện tăng lãi suất điều hành hai đợt vào ngày 21/9 và ngày 2/11; trái ngược với năm 2020 – 2021 hạ lãi suất điều hành ba đợt) cũng tạo thêm khó khăn trong huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản giảm mạnh.
Một trong số nhiều giải pháp mà Bộ Xây dựng kiến nghị NHNN trong thời gian tới đó là có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản. Xem xét nới room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị NHNN điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Đồng thời, bám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Theo đó, tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án NOXH có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân,...