Nỗi lo về suy thoái kinh tế đang tăng đỉnh điểm trong năm nay. Từ các chuyên gia phố Wall đến 1 số CEO doanh nghiệp đều đang cảnh báo về sự “chậm lại” của nền kinh tế Mỹ.
Tuy vậy, cho đến nay, suy thoái vẫn chưa xảy ra do thị trường việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng còn khá ổn định. Nhưng theo Bank of America (BofA), có rất nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ đang “mấp mé” bờ vực của một cuộc suy thoái.
Nhà phân tích Michael Hartnett của BofA đã đưa ra 12 biểu đồ để chứng minh quan điểm này có thể sẽ xảy đến trong tương lai:
1. Hoạt động sản xuất sụt giảm
Trong 70 năm qua, bất cứ khi nào chỉ số này giảm xuống dưới mức 45 thì suy thoái sẽ xảy ra. Trong 12 lần thì đã có 11 lần suy thoái, ngoại lệ duy nhất là vào năm 1967.
2. Chỉ số đơn đặt hàng mới giảm
BofA cho biết, vào tháng 3, chỉ số đơn đặt hàng mới đã giảm ở mức 44,3 điểm. Theo các nhà phân tích, vào các năm 1991, 2001, 2008 và 2020, chỉ số ở dưới mức 45 điểm đã xảy ra trùng với tình trạng “suy thoái lợi nhuận doanh nghiệp”. Đây là 1 dấu hiệu cần thận trọng.
3. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu cho thấy suy thoái có thể xảy ra
Theo tờ Market Insider trích dẫn, mô hình dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp thế giới cho thấy EPS toàn cầu sẽ giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8 tới.
Mô hình được xây dựng từ dữ liệu của xuất khẩu châu Á, PMI toàn cầu, các điều kiện tài chính của Trung Quốc và đường cong lợi suất của Mỹ.
4. Đường cong lợi suất đảo ngược
Đường cong lợi suất dốc xuống, đảo ngược khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn ngắn vượt lên trên kỳ hạn dài. Hiện tượng này thường xuất hiện khi suy thoái sắp đến.
Trong 4 tuần qua, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm và trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã đi từ mức -110 điểm cơ bản lên -50 điểm cơ bản.
5. Giá dầu “đáng lo ngại”
Trước đây, giá dầu thường tăng trước khi xảy ra suy thoái và giảm trong thời kỳ suy thoái.
Việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ đã nhấn mạnh mối lo ngại về suy thoái kinh tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng không đủ để thúc đẩy giá dầu tăng lên.
Cụ thể, OPEC thông báo sẽ giảm thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 5 đến hết năm 2023.
6. Thị trường lao động Mỹ suy yếu
BofA nói rằng chỉ số PMI sản xuất sụt giảm cho thấy thị trường lao động Mỹ có thể sẽ suy yếu trong vài tháng tới. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh báo cáo việc làm của tháng 2 - tháng 3 sẽ là những tín hiệu tích cực cuối cùng trong năm 2023 của thị trường này.
7. Giá nhà toàn cầu có xu hướng giảm
Giá nhà toàn cầu đang dịch chuyển “đi xuống” khi lãi suất tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường bất động sản ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Điển, Australia và New Zealand.
8. Thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng tới thị trường việc làm
Một số ngân hàng Mỹ đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ trong vài quý vừa qua.
Việc thắt chặt tín dụng khiến nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ đối với người lao động dự kiến suy giảm. Nếu tính sẵn có của khoản vay giảm xuống -10 hoặc thấp hơn thì tỷ lệ cao tình trạng thắt chặt tín dụng sẽ xảy ra.
9. Hoạt động cho vay của các ngân hàng châu Âu sụt giảm
BofA cho biết hoạt động cho vay của các ngân hàng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm 3 tháng liên tiếp. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra, ngoại trừ trong thời kỳ Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế trị giá 14.000 tỷ USD của khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng.
10. Thị trường việc làm Mỹ
BofA nhấn mạnh: khi cơ hội việc làm ở Mỹ giảm, thị trường lao động sẽ yếu hơn, lãi suất Fed sẽ xuống thấp hơn.
Đường cong lợi suất trái phiếu có thể sẽ xuống dốc trong vòng 6 đến 12 tháng tới, khi Fed có thể hạ lãi suất trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng xu hướng giảm trong dài hạn sẽ bị hạn chế bởi vấn đề lạm phát và các vấn đề tài chính liên quan.
11. Bán cổ phiếu sau lần tăng lãi suất cuối cùng
Quan điểm của BofA là các nhà đầu tư nên bán ra cổ phiếu sau khi Fed thực hiện đợt tăng lãi suất cuối cùng. Các nhà đầu tư đang quá lạc quan về khả năng hạ lãi suất nhưng lại không chú ý tới khả năng suy thoái kinh tế.
’Bán sau lần tăng lãi suất cuối cùng’ là chiến lược đúng đắn trong thập niên 70-80, thời kỳ khi lạm phát lên cao.
12. Chứng khoán và suy thoái
Trong quá khứ, khi suy thoái xảy ra, thị trường chứng khoán Mỹ thường sẽ giảm điểm. Vì vậy, các chuyên gia của BofA dự báo S&P 500 còn có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.
Tổng hợp