Các nhà chiến lược gia chỉ ra việc đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm bị đảo ngược. Đây là một thước đo suy thoái nổi tiếng của thị trường trái phiếu. Chỉ báo này từng dự đoán đúng các đợt suy thoái gần đây nhất như năm 1990, 2001 và 2008. Khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, các nhà đầu tư tin rằng suy thoái sắp đến.
Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm vừa tăng lên 1 điểm phần trăm trong tuần trước, đánh dấu mức đảo nghịch lớn nhất trong vòng 40 năm.
Nhưng BofA cho biết, trong lần này, chỉ báo phản ánh một cú hạ cánh cứng đối với lạm phát nhiều hơn. Nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Các chiến lược gia cho biết mặc dù trước đây đường cong lợi suất đảo ngược dự báo xác suất suy thoái cao, nhưng hình dạng của đường cong cũng có thể dự báo lạm phát giảm, chứ không chỉ tăng trưởng suy giảm. Lãi suất thực không dự báo rủi ro suy thoái tăng cao, thay vào đó lại phản ánh kỳ vọng nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng.
Vì lãi suất thực thể hiện dự đoán của thị trường về lợi suất trái phiếu được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát. Trong khi đó, BofA cho biết mức lãi suất thực chỉ giảm vừa phải trong ngắn hạn.
Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ từ từ giảm lãi suất. Đây là động thái họ khó có thể thực hiện nếu nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái đặc biệt cao.
Các nhà đầu tư từng chú ý đến một cuộc suy thoái tiềm ẩn trong năm qua, khi FED tăng mạnh lãi suất để chế ngự lạm phát. Động thái này có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Lãi suất hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Các quan chức FED gợi ý rằng sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay. Các thị trường dự đoán 87% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sau cuộc họp chính sách vào tháng 7. Từ đó, lãi suất mục tiêu của FED sẽ tăng lên 5,25% - 5,5%.
Trong khi đó, FED New York đã dự đoán 71% khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2024.