Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng sẽ tới tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên chuyến đi này lại khiến nhiều người nhớ đến năm 1976, khi Anh phải xin cứu trợ từ IMF.
Ông Kwarteng sẽ phải bảo vệ gói kích thích trị giá 43 tỷ bảng (tương đương 48 tỷ USD) – thứ chính là nguyên nhân khiến thị trường tài chính Anh chao đảo hồi đầu tháng 10. Mới đây IMF đã đặt câu hỏi tại sao Bộ Tài chính Anh lại khiến nền kinh tế nóng lên trong lúc NHTW Anh đang nỗ lực hết sức để ứng phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất 40 năm.
Cuộc họp này sẽ có ý nghĩa quan trọng, bởi nền kinh tế Anh lâu nay vẫn được coi là một "pháo đài" vững chãi nhờ tuân thủ chính sách tài khóa thận trọng nhưng giờ lại trở thành nhân tố gây ra tình trạng hỗn loạn cho thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, những gì Anh vừa trải qua sau khi tuyên bố cắt giảm thuế trên quy mô lớn mà không có nguồn tài trợ khác bù đắp cho ngân sách sẽ là bài học mà các nước khác nên theo dõi kỹ, đặc biệt trong giai đoạn thị trường tài chính bấp bênh như hiện nay.
"Cú rung chuyển của thị trường tài chính Anh là lời nhắc nhở rằng các cơ quan quản lý không bao giờ được quên hiệu ứng lan tỏa. Đặc biệt nếu họ cùng nhau hành động thì tác động sẽ rất lớn", Mark Sobel, người từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ nói.
Với gói ngân sách mới, tân Thủ tướng Liz Truss và tân Bộ trưởng Kwarteng muốn thúc đẩy nền kinh tế Anh (vốn đang bị các nước khác trong nhóm G7 bỏ lại phía sau), nhưng họ lại không thể thuyết phục các nhà đầu tư ủng hộ kế hoạch này. Đồng bảng và chứng khoán Anh đồng loạt bị bán tháo.
Đối với Mỹ và IMF, những diễn biến vừa qua trên thị trường tài chính Anh là điều khó chấp nhận bởi chúng đi ngược lại với nỗ lực kiểm soát giá cả và bình ổn thị trường tài chính toàn cầu.
"Bộ trưởng tài chính và thống đốc NHTW các nước không muốn vì những rắc rối ở Anh mà bị xao lãng khỏi những vấn đề quan trọng khác", Adam Posen, cựu quan chức của NHTW Anh và hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson nói. "Có lẽ Kwarteng sẽ phải âm thầm chấp nhận yêu cầu của IMF rằng Chính phủ Anh không nên có hành động khinh suất gây náo loạn thị trường".
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của IMF chính là đảm bảo sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu. Do đó những gì xảy ra ở Anh chính là hồi chuông báo động đối với IMF. Ngày 28/9, NHTW Anh đã phải can thiệp khẩn cấp bằng cách mua vào một lượng lớn trái phiếu.
28/9 cũng là ngày kỷ niệm 46 năm nước Anh xin gói cứu trợ 3,9 tỷ USD từ IMF. Ngân sách mini của ông Kwarteng khiến nhà đầu tư tin rằng đồng bảng đang ở mức quá cao so với giá trị thực. Ngay lập tức niềm tin vào chính phủ Anh sụt giảm nặng nề.
Trong vài tuần gần đây, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong đó có S&P Global và Fitch Ratings đã đe dọa sẽ hạ bậc xếp hạng của Anh vì những diễn biến vừa qua.
Tới cuộc họp lần này, nhiệm vụ của ông Kwarteng sẽ là giải thích làm cách nào để ngân sách mini không khiến lạm phát tăng lên. Đi cùng ông có Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey.
IMF đã hối thúc Bộ trưởng Kwarteng phải đặc biệt chú ý đến việc ngăn chặn các rủi ro trên thị trường tài chính Anh lan sang các nước khác. IMF cũng lưu ý chính sách tài khóa nên song hành chứ không phải xung đột với nỗ lực chống lạm phát của NHTW Anh.
Gần đây một số quan chức Mỹ đã lên tiếng đồng tình với IMF. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng lãnh đạo các nước cần phải "hết sức nghiêm túc về lạm phát, nhưng có vẻ chính phủ mới của nước Anh không nghĩ như vậy". Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Atlanta, chỉ trích các biện pháp của ông Kwarteng làm gia tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Không phải đến thời Kwarteng nước Anh mới bị chỉ trích. Khi George Osborne làm Bộ trưởng Tài chính Anh trong thời kỳ chương trình thắt lưng buộc bụng lên đến đỉnh điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF từng buộc tội ông là "đang đùa với lửa".
Trong các cuộc đàm phán Brexit sau cuộc chưng cầu dân ý năm 2016, bất chấp những tranh cãi trong nội bộ IMF về quyết định ra đi của nước Anh, mối quan hệ giữa IMF và Bộ trưởng khi đó là Philip Hammond luôn êm đẹp. Hammond nhận được sự giúp đỡ từ Mark Carney, người giữ chức Thống đốc BoE từ năm 2013 đến 2020 và là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn khiến thế giới tin tưởng rằng Anh sẽ không phải là nguồn cơn khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Không chỉ vấp phải sự chỉ trích từ bên ngoài, các chính sách của bộ đôi Truss-Kwarteng cũng không nhận được sử ủng hộ của cộng đồng kinh tế trong nước. Làn sóng phản đối từ các nghị sĩ quốc hội thuộc đảng Bảo thủ trong hội nghị thường niên mới đây đã khiến Kwarteng buộc phải hủy bỏ kế hoạch giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất.
Trước IMF, Kwarteng có thể lập luận rằng Mỹ tăng lãi suất và đồng USD tăng giá đang gây ra những tác động tiêu cực cho nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới. Nhiều quan chức ở Anh lo ngại chi phí đi vay tăng mạnh do hiệu ứng từ Fed sẽ ăn mòn tất cả các lợi ích mà chương trình cắt giảm thuế có thể tạo ra.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhiều hơn sẽ là nguy cơ khủng hoảng trên thị trường tài chính Anh lây lan sang các nước khác và những điểm tương đồng giữa hiện tại và khi Anh phải nhận gói cứu trợ từ IMF.
Năm 1976, IMF đồng ý cấp 3,9 tỷ USD cho nước Anh với điều kiện Anh phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công. Cùng ngày hôm đó, Thủ tướng James Callaghan tuyên bố học thuyết Keynes "đã chết".
Ông từng phát biểu: "Chúng ta vẫn nghĩ rằng hoàn toàn có thể thoát khỏi suy thoái và tăng việc làm bằng cách giảm thuế và tăng chi tiêu công. Nhưng tôi xin khẳng định lựa chọn đó không còn tồn tại nữa".
Theo Martin Weale, giáo sư đang công tác tại King’s College London, có lẽ chính phủ hiện tại đã quên đi những bài học của năm 1976. Thay vào đó, giống như chính phủ tiền nhiệm do ông Boris Johnson dẫn dắt, họ lại suy nghĩ rằng "bạn luôn có miếng bánh của mình và có thể ăn nó".
Tham khảo Bloomberg