Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố cần chú ý tại ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, có thể tác động với Việt Nam. Một vài yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP nước ta liên quan tới tiêu dùng trong nước và quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng và các hiệp định thương mại.
Nguồn: FED, ECB, PBOC, BSC Research tổng hợp
Nhìn lại con số 9 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng tới 32% so với cùng kỳ, một phần là nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quy mô vốn gia nhập thị trường đã liên tục giảm trong năm 2022 cho thấy tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn khi room tín dụng cạn kiệt và huy động qua kênh trái phiếu bị hạn chế từ đầu năm.
Về tốc độ giải ngân vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN), đã hết quý 3 nhưng vốn NSNN mới giải ngân được hơn một nửa so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách. Tốc độ tăng trưởng của vốn FDI đăng ký tăng thêm cũng đã có dấu hiệu chững lại do chịu ảnh hưởng bởi bức tranh kinh tế kém tích cực của thế giới.
Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đều tăng chậm lại khi xu hướng tiêu dùng của người dân Hoa kỳ giảm tốc trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Trong kịch bản tiêu cực, Hoa Kỳ suy thoái vào năm 2022, BSC dự báo xuất khẩu vẫn có thể tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6%.
Nguồn: GSO, BSC Research
BSC hạ dự báo CPI năm 2022 từ 3,8% xuống 3,4% trong kịch bản tích cực và 5,5% xuống 4,8% trong kịch bản tiêu cực nhờ giá dầu suy yếu. Mặt khác, dự báo tỷ giá USD/VNĐ cuối năm 2022 sẽ ở mức 23.750. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối hiện tại đạt 87,5 tỷ USD cho thấy NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết tỷ giá.
Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 10
Về thị trường chứng khoán, sau giai đoạn tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, VN-Index và HNX-Index đã quay đầu giảm sâu trong tháng 9, thiết lập vùng đáy ngắn hạn mới trong năm 2022 ở ngưỡng 1.130 điểm.
Nhịp giảm sâu trên đã khiến 10/11 nhóm ngành cấp 1 giảm điểm trong quý 3 và lấy đi toàn bộ diễn biến tích cực trong giai đoạn trước đó, chỉ duy nhất nhóm ngành viễn thông tăng 14,37%.
BSC đã đưa ra hai kịch bản của thị trường trong tháng 10. Cụ thể, với kịch bản tích cực, BSC cho rằng tâm lý có thể ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài trong tháng 9 kết hợp cùng thanh khoản có dấu hiệu cải thiện với lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu đã ở vùng định giá hấp dẫn. Theo đó, VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm.
Khối ngoại cũng có thể thu hẹp tốc độ bán ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục duy trì tín hiệu khởi sắc. Các biện pháp bình ổn giá cả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến trình triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ hiệu quả, thực chất hơn so với giai đoạn trước đó. Thị trường được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 3.
Theo quan điểm của BSC, thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,7 đến 0,9 tỷ USD/phiên (16.000 - 20.700 tỷ đồng/phiên) khi VN-Index diễn biến tích cực, tâm lý ổn định trở lại trên thị trường.
Trong kịch bản tiêu cực hơn, nếu tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới cũng như các thông tin không mấy tích cực xuất hiện nhiều hơn có thể khiến hoạt động rút vốn khỏi thị trường chứng khoán tiếp tục diễn ra để hướng đến các kênh tài sản ít rủi ro hơn. Nhịp độ tăng lãi suất của các NHTW trong công cuộc chống lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại bên cạnh tín hiệu khởi sắc từ nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ tác động tiêu cực đến thế giới. Trong bối cảnh đó, VN-Index dự báo dao động trong vùng 1.000 - 1.050 điểm, tương ứng mức chiết khấu tới hơn 130 điểm trong tháng 10.
Quý 3 cũng đã chứng kiến đà bán ròng trở lại của khối ngoại với giá trị bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng ngay tại thời điểm thị trường giảm sâu. BSC đánh giá diễn biến này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài trước diễn biến phức tạp trên thế giới. Xu hướng bán ròng có thể sẽ tiếp diễn trong quý 4/2022 khi FED, ECB và nhiều NHTW lớn khác tiếp tục lộ trình nâng lãi suất. Song, đà bán ròng có thể chậm lại khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy tín hiệu khởi sắc và thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn trong khu vực.
Xét về định giá, đà giảm khiến P/E VN-Index kết thúc tháng 9 ở mức 12,2 lần, thấp hơn mức 16,19 lần P/E bình quân 5 năm. Chứng khoán BSC đã đánh giá P/E VN-Index tiếp tục ở vùng định giá hấp dẫn khi đứng thứ 7 châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 15,11 lần – đứng thứ 13 khu vực.
BSC dự báo P/E VN-Index sẽ vận động trong vùng 12,5-12,8 lần trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm bên cạnh kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp.
Nguồn: Bloomberg, BSC Research