Theo South China Morning Post, chính phủ Malaysia đã phát động chương trình “Menu Rahmah” nhằm kêu gọi các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm cung cấp những bữa ăn có giá 5 ringgit (khoảng 1,15 USD).
“Menu Rahmah” đã tạo được tiếng vang lớn và nhận được cảm kích từ người lao động. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia đã cảnh báo đây không phải là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Malaysia.
Bữa ăn giàu tính nhân văn
Hơn 15.000 cửa hàng thực phẩm đã tham gia “Menu Rahmah” khi chương trình này được phát động vào cuối tháng 1 năm nay. Chính phủ Malaysia sẽ không chi trả ngân sách cho chương trình. Thay vào đó, toàn bộ chi phí sẽ do các đơn vị tham gia đảm nhận.
Hầu hết nhà hàng đang cố gắng bán các bữa ăn đủ chất. Mỗi suất bao gồm cơm, thực phẩm giàu protein và rau.
Những bữa ăn giá rẻ đang được cung cấp ở khắp mọi nơi, từ các khu ẩm thực cho đến chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Burger King hay tiệm trà sữa Chatime của Đài Loan.
Tại siêu thị Mydin ở thành phố Subang Jaya, các quầy hàng thực phẩm đang bày bán món nasi campur với giá chỉ khoảng 1 USD. Món ăn này sẽ bao gồm cơm, rau và đồ ăn kèm như cá da trơn, cá mòi hoặc thịt gà.
Burger King, đơn vị có 140 cửa hàng tham gia chương trình, cũng cung cấp bữa ăn gồm một chiếc bánh mì kẹp thịt gà hoặc thịt bò cùng một chai nước khoáng. Mức giá của bữa ăn cũng chỉ khoảng 1 USD.
Ông Salahuddin Ayub, Bộ trưởng Bộ Thương mại nội địa và Chi phí sinh hoạt Malaysia, đã kêu gọi nhiều quán ăn trên khắp quốc gia, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, hợp tác với chương trình do chính phủ phát động.
Cửa hàng nhỏ không nên tham gia
Ý nghĩa của chương trình rất nhân văn. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể gây tác động tiêu cực đến một số cửa hàng thực phẩm nhỏ.
Ông Rosli Sulaiman, Chủ tịch Hiệp hội Tiểu thương Bumiputera, cho biết các chủ cửa hàng thực phẩm nhỏ không nên tham gia chương trình. Những đơn vị này có thể thiệt hại nặng nề về mặt lợi nhuận trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao.
Trao đổi với tờ New Straits Times, ông Rosli Sulaiman không khuyến khích những cửa hàng có mức lợi nhuận hàng ngày dưới 150 ringgit (khoảng 34 USD) tham gia vào chương trình của chính phủ.
“Giá gà hiện nay là 9,3 ringgit/kg (khoảng 2,12 USD). Nếu bạn muốn tham gia Menu Rahmah và món phụ của bạn là thịt gà, bạn phải cắt nó thành 12 phần. Bạn sẽ phải trả 4 ringgit (tương đương 0,91 USD) cho mỗi phần”, ông Rosli Sulaiman chia sẻ.
“Nếu bạn thêm cơm, đó sẽ là 2 ringgit (khoảng 0,46 USD) và đồ uống là 1 ringgit (tương đương 0,23 USD). Tất cả sẽ là 7 ringgit (khoảng 1,59 USD). Các cửa hàng sẽ mất 2 ringgit (khoảng 0,46 USD) cho mỗi bữa ăn”, Chủ tịch Hiệp hội Tiểu thương Bumiputera cho biết thêm.
Siêu thị và khu ẩm thực Mydin đang phục vụ bữa sáng, bữa trưa và bữa tối với giá 4,9 ringgit (khoảng 1,11 USD). Ông Ameer Ali Mydin, Giám đốc điều hành của Mydin, cho biết chương trình có thể gặp trở ngại do chi phí thực phẩm đang tăng vọt.
Phát biểu với hãng tin địa phương Utusan Malaysia, ông Ameer cho biết chính phủ nên tìm kiếm các giải pháp mạnh mẽ hơn để giảm bớt áp lực về chi phí sinh hoạt của người dân.
Ông Ameer cho biết Mydin có thể tiếp tục giữ giá thực phẩm ở mức thấp trong ba tháng. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi tùy thuộc vào giá nguyên liệu.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc giá một số loại rau đã tăng 70-80% trong năm nay do điều kiện thời tiết ẩm ướt và sản lượng giảm. “Chương trình phụ thuộc vào điều kiện của nền kinh tế. Nếu giá nguyên liệu không tăng, chúng tôi có thể duy trì Menu Rahmah mãi mãi”, ông Ameer chia sẻ.
Vào tháng 11/2022, lạm phát giá lương thực tại Malaysia đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lạm phát dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết việc giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng sẽ là trọng tâm trong chính sách sắp tới của ông dự kiến công bố ngày 24/2.