“Con mua máy rửa bát hết bao nhiêu tiền?”
“20 triệu đồng ạ”.
“Quá tốn kém! Bát thì chưa chắc đã sạch, mà tốn thêm cả tiền điện, tiền nước nữa".
Đó là cuộc trò chuyện điển hình của mẹ con Giang Trần (26 tuổi, quận 8, TP.HCM) mỗi khi cô mang thêm một món đồ gia dụng thông minh về nhà. Robot hút bụi, hay máy lọc không khí chỉ được khởi động khi Giang có mặt ở nhà.
Dù nhiều lần thuyết phục, bố mẹ cô vẫn nói "không" với các thiết bị này. Ngoài nỗi lo chi phí điện, nước gia tăng, họ cũng ngại đọc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh.
Để tránh cãi vã, Giang Trần từ bỏ công cuộc thuyết phục, chấp nhận rằng đồ gia dụng đắt tiền chỉ hoạt động khi cô có mặt ở nhà.
Đồ gia dụng thông minh là tác nhân gây ra những cuộc tranh cãi giữa người trẻ và bố mẹ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Những lời than phiền của phụ huynh liên quan đến chi phí mua sắm và hiệu quả sử dụng khiến giấc mơ smarthome của nhiều người trẻ Hà Nội và TP.HCM “tan thành mây khói”.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực chứng minh hiệu quả, sự tiện lợi và khả năng tiết kiệm thời gian của những món đồ điện này, một số may mắn thành công trong việc thuyết phục bố mẹ sử dụng.
Robot thành nguồn cơn của mâu thuẫn gia đình
Bố mẹ của Thảo Kiều (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng lớn tiếng khi thấy cô chi tiền sắm nồi chiên không dầu và robot nấu ăn.
“Tôi chưa biết nhà có thông minh hơn không, nhưng chắc chắn ồn ào hơn bởi những trận cãi vã”, Kiều chia sẻ với Tri Thức - ZNews.
Thấy robot nấu ăn của các thương hiệu nội địa Trung Quốc có giá thành tương đối phải chăng, cô “chốt đơn” nhiều thiết bị trên sàn thương mại điện tử, coi những sản phẩm này là cứu tinh cho khả năng bếp núc có hạn của mình.
Song, phụ huynh của Thảo Kiều thường xuyên chê trách, tỏ thái độ khó chịu khi con gái sử dụng nồi áp suất đa năng, khiến không khí căn bếp trở nên căng thẳng. Bố mẹ muốn cô học nấu nướng theo cách "truyền thống", tức không sử dụng các robot hỗ trợ.
Là người kỹ tính trong việc nấu ăn, mẹ của Thảo Kiều có yêu cầu cao đối với chất lượng đồ ăn, thức uống. Đối với những món chiên, rán, nướng được thực hiện bằng nồi chiên không dầu, bà luôn than phiền vì thức ăn không như ý.
Trung Kiên trang bị thiết bị thông minh cho gia đình, tốn nhiều thời gian thuyết phục phụ huynh sử dụng.
Đây là tình trạng tương tự mà Trung Kiên (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) phải trải qua khi trang bị tủ ủi quần áo thông minh robot hút bụi và máy hút lông chó cho gia đình.
Mặc dù Kiên nhiều lần giải thích rằng những món đồ này giúp tiết kiệm thời gian và sức lực, anh vẫn thấy bố mẹ ủi quần áo bằng bàn là hơi nước, dùng lăn vải truyền thống để loại bỏ lông thú cưng khỏi đệm ghế.
“Tôi quên mất rằng bố mẹ đã nghỉ hưu, ít khi gấp gáp, muốn làm việc nhà theo cách thủ công để giết thời gian. Người trẻ như tôi mới luôn trong trạng thái vội vàng, đề cao sự nhanh chóng, thuận tiện”, Trung Kiên giãi bày.
Một lý do khác khiến bố mẹ Kiên hiếm khi bật công tắc các thiết bị thông minh trong nhà là nỗi lo về nguy cơ hỏng hóc. Trong một lần thử sử dụng máy hút lông cún cưng cầm tay, bố anh vô tình nhấn nhầm nút chức năng, khiến những sợi lông bị kẹt, suýt dẫn đến tình trạng cháy máy.
Khi đó, phụ huynh của Trung Kiên tỏ ra bối rối, không biết cách xử lý sự cố, chỉ thở phào khi biết thiết bị vẫn trong thời hạn bảo hành. Sau đó, bố anh không bao giờ động đến đồ gia dụng thông minh.
Phụ huynh gật đầu với máy móc
Mặc dù nuôi chó là ý tưởng của Trung Kiên, bố mẹ anh mới là những người chăm sóc thú cưng chính.
Để giúp bố mẹ đỡ vất vả, anh nỗ lực hướng dẫn phụ huynh sử dụng thiết bị chăm sóc cún cưng, làm việc nhà thông minh bằng cách dịch hướng dẫn sử dụng sang tiếng Việt, sau đó viết lên giấy nhớ và dán vào máy móc.
Nếu có mặt tại nhà, Kiên luôn ở bên khi bố mẹ dùng các món đồ gia dụng thông minh, kịp thời hướng dẫn và xử lý sự cố. Nếu ra ngoài, anh cũng cố gắng nhận mọi cuộc gọi video từ phụ huynh, chỉ dẫn lại từ đầu qua màn hình điện thoại.
Sau khoảng 3 năm kiên trì hướng dẫn, Kiên thành công thuyết phục bố mẹ dùng một số món đồ gia dụng công nghệ cao. Dù phụ huynh chưa tận dụng được tối đa tiềm năng hoạt động của các thiết bị này, anh vẫn coi đây là thành quả cho nỗ lực thu hẹp khoảng cách thế hệ suốt thời gian dài.
Một số phụ huynh ủng hộ con cái trong việc sử dụng đồ gia dụng thông minh, dần thích nghi với những thiết bị này. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Ngọc Thảo (23 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại là trường hợp may mắn hiếm hoi khi nhận được sự đồng tình từ đầu của phụ huynh trong việc sử dụng thiết bị thông minh trong nhà. Thậm chí, bố mẹ cô còn chủ động trang bị máy rửa bát, máy sấy quần áo và robot dọn nhà.
Khi nhân viên các siêu thị điện máy đến nhà lắp đặt, phụ huynh của Thảo cũng lắng nghe hướng dẫn sử dụng kỹ càng, không cần cô thuật lại. Chỉ sau vài tuần, bố mẹ Ngọc Thảo nhanh chóng thành thạo dùng những món đồ này.
Ngọc Thảo chỉ bổ sung trợ lý ảo Google Home kết nối với hệ thống loa, TV, đèn chiếu sáng trong phòng riêng. Hệ thống này đòi hỏi các thao tác thực hiện phức tạp hơn, vì vậy gây khó khăn cho bố mẹ cô đôi chút.
“Tuy nhiên, tôi không cần phụ huynh thành thạo dùng trợ lý ảo. Dù sao tôi cũng chỉ trang bị các thiết bị này cho phòng riêng, phục vụ sở thích cá nhân”, Thảo cho biết.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Statista, tính đến tháng 8/2020, thị trường smarthome (nhà thông minh) tại Việt Nam đạt doanh thu khoảng 179 triệu USD và các chuyên gia dự đoán con số này sẽ đạt 524 triệu USD vào năm 2025.
Thị trường smarthome ở Việt Nam còn khá non trẻ so với các quốc gia khác, song đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng.