Giá hành tây ở Philippines đắt nhất trên Trái Đất, theo Manila Times.
Theo thống kê chính thức, hồi tháng 12/2022, giá hành tây ở Philippines tăng lên khoảng 700 peso/kg (tương đương 12,8 USD). Con số này cao hơn giá thịt và mức lương tối thiểu một ngày của quốc gia Đông Nam Á này.
Dựa trên giá bán lẻ của các mặt hàng nông sản được giám sát bởi Bộ Nông nghiệp Phillippines kể từ ngày 5/1, giá hành tây tím và trắng cao gấp khoảng 3 lần thịt gà và đắt hơn thịt bò khoảng 25%, Bloomberg đưa tin.
Giá hiện nay có phần hạ nhiệt, nhưng mỗi kg hành tây vẫn đắt hơn cả một con gà.
Theo Rizalda Maunes - người điều hành tiệm bánh pizza ở trung tâm thành phố Cebu, mặc dù giá đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây, hành tây vẫn là mặt hàng xa xỉ với nhiều người tiêu dùng.
"Chúng tôi từng mua 3-4 kg hành tây/ngày. Hiện tại, chúng tôi chỉ mua được nửa kg”, bà Maunes nói với BBC. “Khách hàng của chúng tôi thấu hiểu điều này, vì không chỉ nhà hàng mà các hộ gia đình cũng gặp khó khăn khi nhiều món ăn được làm ngọt bằng hành".
Thành phần chính trong ẩm thực Philippines đã trở thành biểu tượng cho thực trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Điều này xảy ra khi lạm phát - từ thực phẩm tới nhiên liệu - đạt mức cao nhất trong 14 năm qua ở Philippines vào tháng trước.
Các chuyên gia và nhóm nông dân cũng đưa ra nhiều lý do dẫn đến “khủng hoảng hành tây”, từ thiếu kho lạnh, đến nhu cầu gia tăng sau đại dịch Covid-19, buôn lậu và tác động của biến đổi khí hậu, theo Guardian.
“Hành tây quý như vàng”
Giá hành tây ở Philippines cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới kể từ mùa thu. Marilene Montemayor - trợ lý cấp cao tại Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - cho biết hành tây có trong hầu hết món ăn của người Philippines.
Cô cho biết gia đình mình ở Philippines đã phàn nàn về giá hành kể từ Giáng sinh. “Hành tây giờ giống như vàng”, cô ví von, theo NPR.
Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến các quán ăn đường phố ở Cebu. Rau chiên, thịt và hải sản thường được phục vụ với hành tây và nước chấm giấm.
"Hành tây là phần quan trọng trong các món ăn của chúng tôi. Nó tạo thêm độ giòn và vị ngọt tương phản với vị mặn", Alex Chua - người đã phải cắt giảm lượng hành tây tại quầy hàng của mình - nói. “Chúng tôi rất biết ơn vì chính phủ đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn tăng giá. Chúng tôi hy vọng họ sẽ có biện pháp giảm giá hơn nữa”.
Nhiều người khác gặp rắc rối khi buôn lậu hành. Gần đây, truyền thông địa phương đưa tin quan chức Philippines đã tịch thu số hành tây buôn lậu trị giá tới 9-11 triệu USD. Hành tây chiếm 30% nông sản nhập lậu. Họ tìm thấy túi bên trong nhà kho và giấu trong các lô hàng quần áo.
Tháng trước, giới chức phát hiện lô hành tây vàng trị giá 17 triệu peso bên trong các thùng chứa dán nhãn đựng quần áo, giày dép và nhiều đồ gia dụng khác nhau. Vài ngày trước đó, số hành tây trị giá 20 triệu peso, nặng 50.000 kg, được tìm thấy giấu trong các sản phẩm bánh ngọt và bánh mì.
Đầu tháng này, 10 thành viên phi hành đoàn Philippine Airlines bị điều tra vì âm mưu tuồn gần 40 kg hành tây và trái cây vào túi hành lý. Các quan chức sau đó cho biết họ sẽ không phải đối mặt với cáo buộc, cảnh báo khách du lịch không mang theo mặt hàng này mà không có giấy phép.
Một câu chuyện khác lan truyền bùng nổ trên mạng xã hội có thể lột tả mức độ quý giá của hành tây tới mức nào: Cô dâu người Philippines quyết định bó hành thay hoa cưới trong ngày trọng đại của mình. Tuy không có tiết mục tung hoa như thông lệ, khách mời lại có quà "quý như vàng" mang về sau đám cưới.
Hành cũng là ý tưởng chủ đạo bao trùm bộ ảnh cưới của cô dâu vui tính này.
Tuy nhiên, bên cạnh chút lạc quan tếu với hành tây đi vào cả đám cưới của đôi trẻ, nổi lên nhiều câu chuyện buồn liên quan tới mặt hàng này với cả người mua hàng và nông dân.
Tình huống khẩn cấp
Philippines thiếu hụt hành tây ngay cả khi nông dân địa phương đã sản xuất 23,30 tấn hành trong quý III/2022, tăng từ 22,92 tấn trong cùng kỳ năm 2021, theo Cơ quan Thống kê Philippines.
Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Ferdinand Marcos Jr gọi giá lương thực tăng cao là "tình huống khẩn cấp". Đầu tháng này, ông Marcos phê duyệt nhập khẩu hành tây đỏ và vàng nhằm tăng nguồn cung.
Đối với quốc gia tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng, việc nhập khẩu không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, có những lo ngại việc nhập khẩu hành sẽ ảnh hưởng đến nông dân trong nước khi họ chuẩn bị cho vụ thu hoạch thường bắt đầu vào tháng 2 và kéo dài đến tháng 4, theo Danilo Fausto - Chủ tịch phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Philippines.
Bộ Nông nghiệp Philippines khẳng định sẽ có giới hạn nhập khẩu nhằm giảm thiểu tác động với nông dân địa phương. Ông Marcos Jr cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhập khẩu, và tổng thống sẽ tập trung cải thiện sản xuất và trấn áp buôn lậu.
Cuộc khủng hoảng hành tây đã gây áp lực lên ông Marcos. Một số nhà lập pháp kêu gọi tổng thống bổ nhiệm một bộ trưởng nông nghiệp chuyên biệt nhằm giải quyết vấn đề. “Trước là đường, giờ là hành. Sau cùng, chúng ta sẽ có phiên điều trần về mọi thứ trong bếp”, Thượng nghị sĩ Philippines Grace Poe nêu vấn đề tại phiên điều trần của Thượng viện trong tháng này.
Các chuyên gia cho rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế Philippines đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, trong khi thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, trong đó có hành tây.
Tại một phiên điều trần gần đây của Thượng viện về cuộc khủng hoảng, một góa phụ trình bày rằng chồng bà đã tự sát sau khi vụ mùa bị sâu phá hại, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bà vẫn tiếp tục nỗ lực làm nông nghiệp, nhưng bão tới làm tiêu tan tất cả.
Nicholas Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING, cho biết: "Trở lại vào tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp đã dự báo khả năng thiếu hụt rau ăn củ. Vài tháng sau, Philippines bị hai cơn bão mạnh tấn công gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng".
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ”, ông nói thêm.
Những người khác chỉ ra thiên tai không phải chuyện xa lạ ở Philippines và chính phủ nên lên kế hoạch trước, nhập khẩu thêm nguồn cung sớm hơn nhiều khi có cảnh báo từ tháng 8/2022.
Chuyên gia Marie-Anne Lezoraine từ công ty Kantar Worldpanel cho biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực của đất nước.
“Hầu hết người tiêu dùng có sức mua vốn đã eo hẹp chỉ đủ khả năng chi trả cho đồ thiết yếu. Nếu biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thiếu hụt thúc đẩy giá cả tăng cao, điều này sẽ gây ra tác động rất nghiêm trọng với bộ phận lớn người tiêu dùng ở Philippines", bà nói.
Trong khi đó, giáo sư Leonardo Lanzona từ Đại học Ateneo de Manila cho rằng nguyên nhân khủng hoảng là do phương án phân phối chứ không phải nguồn cung.
“Tôi nghĩ cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là cho phép nông dân giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng”, ông Lanzona nói thêm, đồng thời cho biết chính phủ nên tập trung cung cấp cho nông dân công nghệ tiếp cận thị trường. “Chắc chắn nông dân là những người gánh phần lớn gánh nặng”.
Trong khi đó, ông Mapa tin giá hành có thể ổn định khi chính phủ nhập khẩu nhiều hơn.
“Tuy nhiên, thời điểm có thể không quá tốt vì trùng với mùa thu hoạch tháng 2 với hành sản xuất tại địa phương. Giá thực sự có thể giảm đáng kể khi cả thu hoạch và nhập khẩu diễn ra gần như đồng thời”, ông kết luận.