Theo các công ty nghiên cứu thị trường, hậu đại dịch, hầu hết các công ty F&B toàn cầu đều bị thu hẹp tỷ suất lợi nhuận do chi phí sản xuất, bao gồm giá nguyên vật liệu và giá dầu thô tăng (dẫn đến chi phí đóng gói và vận chuyển tăng). Hầu hết các thương hiệu F&B đều tăng giá bán lẻ khoảng 4 - 10% trong năm 2022, nhưng mức này không đủ bù đắp hoàn toàn phần chi phí gia tăng. Bước sang năm 2023, ngành này kỳ vọng sẽ tìm thấy lối ra khi du lịch phục hồi trở lại, đặc biệt là tại hai thị trường lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ: các nhà hàng khó khăn chồng chất
Theo CNN, dữ liệu của hãng nghiên cứu Technomic cho thấy năm ngoái, Mỹ có khoảng 631.000 nhà hàng. Hồi năm 2019, con số này là 703.000 nhà hàng. Technomic dự báo số lượng nhà hàng có thể giảm còn khoảng 600.000 vào năm nay, và ngành F&B sẽ không khôi phục được con số nhà hàng như trước đại dịch từ giờ cho đến năm 2026.
Hơn nữa, dịch vụ giao đồ ăn và bán mang về ngày càng phổ biến. Lạm phát tại Mỹ cũng tăng cao. Điều này khiến một số khách hàng tới nhà hàng ít hơn để tiết kiệm tiền. Ông David Nayfeld, đầu bếp kiêm đồng sở hữu nhà hàng Che Fico và Che Fico Alimentari (San Francisco) nhận định: "Đây không phải thời điểm tốt để mở nhà hàng. Đại dịch đã mang tới khoảng thời gian tệ hại và chúng tôi vẫn đang cố tìm cách thoát ra".
Theo công ty tư vấn Revenue Management Solutions, trong tháng 1 năm nay, số lượng đơn đặt hàng giao tại nhà đối với các cửa hàng bình dân và đồ ăn nhanh đã tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. "Mọi người ngày càng thích mua đồ ăn mang về hơn", ông David Portalatin, cố vấn của công ty nghiên cứu thị trường NPD Group cho biết. Thêm vào đó, các nhà hàng phục vụ tại chỗ thường đắt đỏ hơn. Theo ông Portalatin, điều này khiến nhiều khách hàng quay lưng.
Đó là chưa kể, ngày càng có nhiều thành phố ở Mỹ áp dụng các chính sách yêu cầu hoặc khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Tính đến nay, 73 thành phố và hạt ở bang California, bao gồm cả San Francisco, đã xây dựng các quy định nhằm giảm sự phụ thuộc vào bếp gas. Nhưng những gì hoàn hảo cho ẩm thực Mỹ truyền thống có thể không phù hợp với các phương thức nấu ăn khác.
Đầu bếp Angus An, có chuỗi nhà hàng tại Vancouver, British Columbia cho biết, không có cách nào thay thế các chảo gas. "Tôi không nghĩ bếp điện có thể thay thế hoàn toàn việc nấu ăn bằng gas. Do đó, việc đạt được sự cân bằng về năng lượng sạch nên là một sự lựa chọn, chứ không nên bắt buộc".
Ở San Francisco, Shuai Yang, chủ sở hữu Nhà hàng Hồi giáo Old Mandarin cho biết tình trạng ế khách nay càng trầm trọng hơn khi một số món đặc sản của nhà hàng, bao gồm cả thịt cừu, đòi hỏi sức mạnh của bếp gas công nghiệp nên đã bớt ngon khi nấu bằng bếp điện từ. Yang cho biết, là một doanh nghiệp nhỏ, việc chuyển sang dùng hoàn toàn bằng bếp điện từ sẽ rất tốn kém. Và bên cạnh chi phí cải tạo, sẽ phải cân nhắc đến việc không có doanh thu trong thời gian tạm ngừng hoạt động.
Trung Quốc: bùng nổ tiêu dùng
Từ khi nới lỏng biện pháp chống dịch, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã thể hiện quyết tâm tận dụng nhu cầu tiêu dùng nội địa để tái khởi động guồng máy kinh tế. Từ trung ương đến địa phương, hàng loạt các chính sách hỗ trợ đã được triển khai, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng và giải phóng tiềm năng tiêu dùng tại Trung Quốc. "Các trung tâm thương mại đã tung ra rất nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của chúng tôi trong việc mua sắm, ăn uống và tham quan", anh Li Ran, người dân Trung Quốc, chia sẻ.
Theo SCMP, sau hai năm “đóng băng” do Covid-19, ngành F&B ở thị trường tỷ dân đã quay trở lại sống động khi KFC và Pizza Hut thông báo mở thêm 1.100 - 1.300 cửa hàng tại Trung Quốc, ngay sau khi các hạn chế về “zero-Covid” được dỡ bỏ.
Yum China Holdings, công ty sở hữu chuỗi KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc đại lục, cho biết dự định chi khoảng 700 - 900 triệu USD cho việc mở rộng hệ thống nhà hàng năm nay.
Andy Yeung, Giám đốc tài chính Yum China Holdings, cho biết thu nhập ròng năm 2022 của công ty giảm 55%. Trong đó, riêng quý 4/2022 giảm 89% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm ngoái, tình trạng lây nhiễm lan rộng khiến công ty bị khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng, dẫn tới hơn nghìn cửa hàng đóng cửa, đồng thời hạn chế một số dịch vụ vào tháng 12. Tuy nhiên, tháng trước, ngay sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế, doanh số bán hàng của Yum China ngay lập tức phục hồi, đặc biệt vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (21 - 27/1).
Kế hoạch mở rộng của KFC và Pizza Hut dựa trên sự gia tăng doanh số bán hàng gần đây và hiệu quả hoạt động ổn định của hai chuỗi cửa hàng này tại Trung Quốc ba năm qua. Joey Wat, giám đốc điều hành Yum China, cho biết công ty đã lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo nguồn nhân lực và tài xế giao hàng, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Dữ liệu chính thức từ giới chức Trung Quốc, gồm khảo sát kinh doanh và doanh số bán hàng cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến từ các ngành dịch vụ, như nhà hàng, quán bar và du lịch. Điều đó có nghĩa là động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không còn đến từ nhiều trụ cột lớn như những năm trước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng này, chẳng hạn như các công ty Mỹ, từ đồ ăn nhanh đến thời trang xa xỉ đã có chiến lược tăng sự hiện diện, nhằm tận dụng làn sóng mua sắm diễn ra tại đây.
McDonald's và Starbucks cũng sắp mở thêm hàng trăm cửa hàng mới tại Trung Quốc. Các hãng bán lẻ Ralph Lauren và Tapestry chuẩn bị ra mắt các cơ sở mới. Các hãng chế biến thịt Tyson Foods và Hormel Foods cũng tăng hiện diện tại đây khi nhận thấy nhu cầu thức ăn kiểu Mỹ tăng lên không ngừng. Nhiều địa điểm du lịch truyền thống đã bùng nổ số lượng khách tham quan, dẫn đến việc các cơ sở lưu trú và nhà hàng ăn uống đầy ắp khách hàng. Doanh thu của ngành F&B nước này thậm chí được dự đoán sẽ sớm vượt qua thời điểm trước dịch ngay trong mùa hè năm nay.