Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022. Qua đó cho thấy, dù kinh tế thế giới diễn biến khó lường, tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đạt kỷ lục mới, trong đó có những đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Về sản xuất công nghiệp tháng 8/2022, Tổng cục Thống kê cho rằng, tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên có được là "do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất, bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19". Tính chung 8 tháng 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,5% của 8 tháng năm 2021.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 10,4%, đóng góp 8,1% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2022 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Tháng 8/2022, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện và giải ngân trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, nên có sự cải thiện rõ dệt. 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8/2022 ước đạt 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương quản lý đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 36,8%; vốn địa phương quản lý 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 55,2%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng cũng đạt được những kết quả khả quan khi đã thu hút được 16,78 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm đạt 7,51 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó chính tỏ, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn đang tạo được niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó, các nhà đầu tư không chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước mà tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế Việt Nam đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm đạt 149,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,2% và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 48,3%.
Đáng chú ý, trong tổng số 149.451 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Bức tranh kinh tế 8 tháng dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro phục hồi kinh tế vẫn còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc vào điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới. Cùng với đó là sự phục hồi chưa đầy đủ của doanh nghiệp khi phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào và cả vấn đề thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao.
Cùng với đó, nhiều vấn đề của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, như: Giải ngân vốn đầu tư công dù đã cải thiện nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa như mong muốn.
Đặc biệt, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự kịp thời và hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động triển khai còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế. Mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế. Nhiều chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ ban hành đã phát huy hiệu quả, nhưng theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các điều kiện, quy định để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ còn phức tạp, điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 2% và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Trên cơ sở đó, nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa các buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tiếp tục có những chính sách đúng và trúng, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo đột phá để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Bức tranh kinh tế 8 tháng dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro phục hồi kinh tế vẫn còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc vào điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới. Cùng với đó, sự phục hồi chưa đầy đủ của khu vực doanh nghiệp khi bị gián đoạn nguồn cung đầu vào, thiếu hụt lao động.