Theo Wall Street Journal, giá năng lượng tăng vọt là một trong những yếu tố lớn nhất khiến lạm phát tại Mỹ đạt mốc đỉnh kể từ năm 1981.
Theo các chuyên gia, giá điện và nhiên liệu cao sẽ gây áp lực lên chỉ số lạm phát, buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian tiếp theo.
Đồng thời, điều này cũng khiến cho giá cả các mặt hàng khác biến động mạnh hơn, gây ra khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát lạm phát và có thể dẫn đến một cuộc suy thoái.
Ông Jason Bordoff - chuyên gia năng lượng tại Đại học Columbia - cho rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao trong thời gian dài.
Giá năng lượng đẩy lạm phát tăng cao
Trên thực tế, các cú sốc về giá năng lượng như thế không phải là hiếm. Nguyên nhân chính của các đợt khủng hoảng giá này thường là nguyên nhân chính trị như lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973 hay cách mạng Iran 1979.
Ông Bob Ryan - Giám đốc chiến lược mảng hàng hóa và năng lượng tại BCA Research - cho rằng những thập kỉ trước đó có mức lạm phát thấp ổn định là do giá năng lượng tương đối rẻ.
Nguyên nhân đến từ cuộc chiến giành thị phần giữa các thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) vào năm 2014 khiến nguồn cung dầu trên thị trường dư thừa. Trong giai đoạn năm 2015-2019, mức chi tiêu cho năng lượng chỉ chiếm 4,1% tổng thu nhập của người tiêu dùng. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1929 nếu không tính những năm đại dịch.
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở cuộc khủng hoảng giá năng lượng lần này nằm ở những thay đổi trong cơ cấu cung cấp năng lượng, nhất là khi các quốc gia đang có xu hướng áp thuế carbon lên doanh nghiệp. Đây là loại thuế đánh vào hàm lượng carbon của các doanh nghiệp để hạn chế lượng carbon xả ra môi trường.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng tới 9,1% so với tháng 6 năm ngoái, mà trong đó mức tăng của giá năng lượng chiếm tới gần 1/3. Giá cao đã làm tăng tỉ trọng chi tiêu cho mặt hàng này lên mức 5% và làm dấy lên những lo ngại về áp lực tăng giá trong thời gian dài.
Theo phân tích của viện đầu tư BlackRock, CPI còn có thể tăng thêm 4% mỗi năm cho đến đầu thập niên 2030 nếu thuế carbon được doanh nghiệp tính vào giá cả và bắt người tiêu dùng gánh chịu. BlackRock còn cho rằng lạm phát sẽ tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2050, khi các quốc gia đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Chính phủ vào cuộc
Tại Mỹ, Quốc hội đang cân nhắc thông qua gói hỗ trợ trị giá 369 tỷ USD . Nếu gói hỗ trợ này được ban hành, các chương trình bảo vệ môi trường sẽ có nhiều ngân sách để nghiên cứu hơn. Các chuyên gia đều đồng ý với gói chính sách này và tin rằng nó có thể giúp hạ nhiệt áp lực tăng giá trong những năm tới.
Ngoài ra, theo bà Franziska Fischer, nhà kinh tế tại Credit Suisse, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang chú trọng CPI của rổ hàng hóa năng lượng nhất khi quyết định kiềm chế lạm phát xuống còn 2%.
Nguyên nhân là vì người tiêu dùng có xu hướng chú ý đến giá năng lượng nhất và nó cũng là yếu tố đầu vào của hầu hết mặt hàng khác. Các cuộc khủng hoảng giá cả thường khiến người tiêu dùng dự đoán rằng lạm phát sẽ tăng, và thay đổi hành vi tiêu dùng theo dự đoán đó.
Việc giá năng lượng thường xuyên biến động và ảnh hướng đến các mặt hàng khác sẽ làm cho FED khó xác định được mức lãi suất phù hợp khi muốn kiềm chế lạm phát.
Đối với bà Fischer, đây là điều không tốt đối với FED. "Nếu hạn chế giá năng lượng thì sẽ ảnh hướng xấu đến chu kỳ kinh doanh, nhưng nếu không kiềm chế nó thì nền kinh tế cũng sẽ gặp vấn đề", bà chia sẻ thêm.
Triển vọng tương lai
Ở một góc nhìn xa hơn, ông Jason Bordoff, chuyên gia năng lượng tại đại học Columbia, nhận định rằng trong hai thập kỷ tới, giá xăng dầu sẽ rẻ và ít biến động hơn khi thế giới dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
"Tôi không nghĩ rằng giá năng lượng tái tạo sẽ luôn luôn đắt hơn so với các loại khác, minh chứng là giá pin năng lượng mặt trời đang giảm dần theo thời gian, và những loại năng lượng tái tạo khác cũng sẽ như thế", ông chia sẻ thêm.
Ông Bordoff còn cho rằng nếu không thực hiện chuyển đổi kịp thời, những hậu quả mà thế giới phải nhận sẽ còn lớn hơn nhiều.
Một thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Isabel Schnabel, lại cho rằng giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao cũng không hoàn toàn xấu. Nó sẽ thúc đẩy các quốc gia tiến tới mục tiêu phát thải bằng không và hỗ trợ đẩy nhanh các hoạt động được đề ra trong các thỏa thuận khí hậu, giúp bảo vệ môi trường.
Điều cần tập trung hiện tại là nghiên cứu thêm để đầu tư vào năng lượng tái tạo sao cho thật hiệu quả. Thực trạng đầu tư yếu kém và công suất thấp đang khiến nguồn cung năng lượng từ pin mặt trời, tuabin gió hay thủy triều không theo kịp nhu cầu của khách hàng. Đây mới là yếu tố chính khiến cho giá năng lượng tái tạo tăng cao.
Theo thống kê của LevelTen Energy, giá của các hợp đồng mua bán năng lượng (PPA) đã tăng mạnh trong năm ngoái. Một phần là do chi phí đầu vào tăng cao, một phần là do chậm trễ trong cấp phép và cơ sở hạ tầng lưới điện không đảm bảo. Theo đó, giá các hợp đồng này đã tăng tới 5,3% trong quý II năm nay, so với mức 42 USD/MWh ở quý I.
Một vấn đề khác nữa là để có thể sản xuất ra năng lượng từ mặt trời và gió sẽ cần những nguyên liệu như cobalt, đồng, lithium, niken và các nguyên tố đất hiếm. Đây là những khoáng sản đều rất hiếm và khó tái tạo. Trên thực tế, một số nguyên liệu trong số này còn “hiếm có khó tìm” hơn dầu mỏ nhiều lần.
Đầu tư không hiệu quả trong quá trình chuyển đổi còn đồng nghĩa với việc nguồn cung các khoáng sản cần thiết sẽ thiếu hụt khi nhu cầu tăng cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây đã ước tính rằng nếu thế giới đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu trong Thỏa thuận chung Paris, lượng cầu đối với lithium sẽ tăng gấp 13 lần từ năm 2020 đến năm 2040. Con số này đối với niken và coban lần lượt là 7 và 8.
Ông Audun M. Martinsen, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Rystad Energy, còn lo lắng rằng nếu không thể sản xuất đủ năng lượng tái tạo cho tiêu dùng, thế giới sẽ phải thay thế bằng khí đốt than đá. Điều này khiến cho giá điện cũng tăng dần trong vòng 10 năm tới.