The New York Times, các bức tường của W - một khách sạn sang trọng tại trung tâm Doha - đều dán hình bia Budweiser. Dòng chữ "Budweiser" được in dọc theo quầy check-in. Khách sạn còn dành riêng một góc trang trí mang tên "Budweiser Player of the Match".
Budweiser - nhà tài trợ bia của World Cup suốt 36 năm qua - đã tân trang cho khách sạn trước thềm World Cup 2022. Nhưng giới chức Qatar đã đẩy ván cược đắt đỏ của hãng bia vào hỗn loạn.
Chỉ 2 ngày trước lễ khai mạc, nước chủ nhà bất ngờ cấm bán đồ uống có cồn bên trong và xung quanh các sân vận động diễn ra những trận đấu World Cup 2022.
Kế hoạch đổ bể
Budweiser rơi vào thế khó. Kế hoạch kéo dài nhiều năm đổ bể, hãng bia buộc phải tháo dỡ các lều Budweiser trong 8 sân vận động vào phút chót. Kéo theo đó là những hậu quả về tài chính và các hậu quả khác.
"Điều này thật khó xử", công ty thừa nhận trong một tweet rồi xóa ngay lập tức.
Nhưng trên thực tế, Budweiser vẫn hiện diện tại World Cup theo một cách khác. Ở các sân vân động, những chiếc tủ lạnh đầy ắp Budweiser Zero không cồn. Quảng cáo của hãng chạy liên tục trên các màn hình của sân vận động.
Nhưng vấn đề nằm ở việc khán giả không mấy hào hứng với bia không cồn của Budweiser.
"Tôi thấy may vì điều này không xảy ra với chúng tôi", đại diện của một nhà tài trợ khác của FIFA nói với New York Times. "Các quy định tại Qatar rất nghiêm ngặt. Nhưng vấn đề nằm ở việc thay đổi quy định quá đột ngột", người này bình luận.
Ông Ricardo Fort - một chuyên gia về tiếp thị thông qua tài trợ - cho rằng những gì xảy ra ở Qatar "chưa từng có tiền lệ". Ông từng là giám đốc phụ trách mảng tài trợ của Visa và Coca-Cola.
"Tôi đã tham gia nhiều kỳ World Cup nhưng chưa từng thấy điều gì tương tự", ông nói thêm.
Theo ông, Budweiser đã phải trải qua những rắc rối về hậu cần và chi phí để vận chuyển bia tới Qatar, bảo quản và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Và quyết định vào phút chót của Doha khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa.
"Họ cần phải làm nhiều việc để bán được đồ uống. Qatar không sản xuất bia hay đóng chai tại địa phương. Budweiser do đó cần đưa xe tải chở bia từ nhiều nước khác tới", ông Fort bình luận.
"Họ cũng cần đưa tủ mát sang để bảo quan bia tại các cửa hàng nhượng quyền", ông nói thêm.
Ông Fort ước tính Budweiser tiêu tốn khoảng 5 triệu USD tại Qatar trong vài năm qua. "Họ đã mất trắng khoản tiền đó", ông nhận định.
Tìm cách xoay xở
Ngày 19/11, hãng bia thông báo tặng toàn bộ số bia không bán hết cho đội tuyển giành chức vô địch World Cup. Các khán giả có thể thấy khẩu hiệu mới của Budweiser bên trong sân vận động: "Mang Bud về nhà".
Doanh số bán bia tại kỳ World Cup năm nay thấp hơn nhiều so với những gì Budweiser kỳ vọng từ hợp đồng tài trợ. Hãng đã chi bộn tiền vào các sự kiện giải trí tại Doha, những lễ hội cho người hâm mộ, các chương trình khuyến mãi ở những quán rượu, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ tại hơn 70 nước.
Qatar không cấm bia hoàn toàn. Người hâm mộ có thể uống bia vào những thời điểm nhất định tại các khu vực dành riêng cho người hâm mộ và xa nơi diễn ra trận đấu.
Ngoài ra, du khách đến Qatar chỉ có thể mua bia, rượu tại các quầy bar trong khách sạn, nhà hàng được chính phủ cho phép.
Ông David Allen, 51 tuổi, đến từ Australia, cho biết ông đã thử Bud Zero vì không còn lựa chọn nào khác. "Tôi không thể uống thêm chai thứ 2", ông chia sẻ.
"Thật đáng buồn. Bia không cồn không phải lựa chọn của tôi trong những ngày nắng nóng", ông Ben Weeks, 48 tuổi, bạn của ông Allen, chia sẻ. "Tôi thấy nước còn sảng khoái hơn", ông nói thêm.
Trong khi đó, có rất nhiều giả thuyết về việc Qatar đưa ra quyết định cấm bia vào phút chót. Ông Fort cho rằng Doha đã thiếu chú ý đến vấn đề này chứ không tính toán gì.
Nhưng nhiều người hâm mộ nghi ngờ giới chức Qatar đã quyết định cấm bán đồ uống có cồn trong sân vận động từ lâu. "Nhưng họ không muốn tuyên bố trước vì sợ mọi người sẽ không tới", anh Marty Brazeau, một giáo viên 36 tuổi, đến từ Seattle (Washington), chia sẻ.
Anh Brazeau đã phải tới W Hotel để tìm đồ uống. Anh không chắc mình sẽ tới Qatar nếu biết trước về lệnh cấm.