Theo trang tin Bloomberg, câu chuyện thực tế không phải như vậy. Người dân ở Pakistan vẫn có thể mua được đồng USD với số lượng lớn, nhưng sẽ phải chấp nhận mức giá đắt hơn khoảng 10% so với niêm yết.
Thị trường USD chợ đen tại Pakistan đã nổi lên sau khi ngân hàng trung ương nước này hạn chế cho người dân mua ngoại tệ để duy trì nguồn dự trữ quốc gia. Sự thiếu hụt ngoại tệ và sự xuất hiện của thị trường chợ đen song song đã khiến tình hình tại nước này trở nên tồi tệ hơn nữa. Trước đó, đời sống của người dân Pakistan đã bị lũ lụt tàn phá, kèm theo ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị.
Ông Asmat Ullah - Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh ngoại tệ Ravi Exchange Company tại Pakistan - cho biết: "Thị trường thứ 3 đã phát triển và bành trướng nhanh chóng do người dân không thể mua USD ở ngân hàng hay các công ty chính thống".
Tình hình kinh tế nguy cấp
Trên thực tế, 2022 là một năm vô cùng khó khăn đối với Pakistan khi trận lũ lụt lịch sử đã khiến gần 2.000 người thiệt mạng và hàng tỷ USD cơ sở vật chất bị tàn phá. Chính phủ nước này hiện còn phải đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ và phải vật lộn để trả nợ, trong khi đồng tiền của Pakistan là một trong những đồng giảm giá mạnh nhất trên toàn cầu năm nay.
Kho dự trữ ngoại hối cạn kiệt nhanh chóng khiến chính phủ Pakistan phải hạn chế thanh toán ở nước ngoài, và giảm lượng ngoại tệ mà người dân có thể mang theo khi đi du lịch chỉ còn 5.000 USD - bằng một nửa so với trước.
Ông Khurram Schehzad - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính Alpha Beta Core Solutions - cho biết đây là nguyên nhân khiến thị trường chợ đen trở nên sôi động. "Bất cứ khi nào có các chính sách hạn chế, thị phần nền kinh tế xám sẽ tăng lên", ông nói.
Hiện tại, Google đã ngừng chấp nhận thanh toán qua Play Store tại Pakistan vào tháng trước sau khi các giao dịch ngoại tệ bị trì hoãn. Các đơn vị địa phương của nhà sản xuất ô tô Honda hay Toyota cũng phải ngừng hoạt động nhiều tuần vì không có đủ USD để nhập khẩu phụ tùng.
Mới đây, ông Malik Bostan - Chủ tịch Hiệp hội Ngoại hối Pakistan - đã thừa nhận sai sót và cho rằng có hai nguyên nhân chính cho vấn đề này. Đầu tiên là các chuyến du lịch nước ngoài sau đại dịch tăng nhanh khiến dòng dự trữ của Pakistan không đáp ứng kịp, và thứ hai là nhu cầu về ngoại hối của nước láng giềng Afghanistan cũng ảnh hưởng đến tình hình trong nước.
Thị trường chợ đen phát triển
Theo những người dân tại đây, các doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ ở Pakistan đã hạn chế cho đổi tiền USD từ nhiều tháng trước, và bây giờ họ đã hết tiền. Còn các giao dịch chợ đen thì không được tính là giao dịch chính thức.
Theo một số người dân địa phương, chính ngân hàng trung ương nước này cũng đã phải giao dịch trên thị trường chợ đen vì nguồn dự trữ quốc gia đang quá thấp.
Tuần vừa rồi, có ít nhất 1.000 container thực phẩm đã bị giữ lại ở các cảng tại Pakistan vì không có đủ ngoại tệ để trả tiền. Các công ty dược phẩm trong nước cũng cảnh bảo về tình trạng thiếu hụt thuốc sau khi không nhập khẩu được nguyên liệu. Họ cho biết rằng Ngân hàng Trung ương Pakistan thông báo sẽ phê duyệt các giao dịch dưới 50.000 USD trong vòng 2 ngày, nhưng thời gian thực tế sẽ là 2 tháng.
Tình hình này đã đưa Pakistan vào danh sách các thị trường mới nổi có 2 loại tỷ giá hối đoái, cùng với Argentina, Lebanon và Nigeria.
Mức chênh lệch 10% là không quá lớn, nhưng sự xuất hiện của thị trường này lại có thể tước quyền kiểm soát ngoại hối khỏi các cơ quan có thẩm quyền và có tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, mức chênh lệch 10% này còn là báo hiệu đỏ dành cho đồng tiền của Pakistan - sau khi đồng này mất khoảng 20% giá trị so với USD trong năm nay.