Trát triệu tập cũng báo hiệu rằng phía Musk có thể sẽ sử dụng các cáo buộc của ông Zatko để hủy bỏ thỏa thuận mua lại công ty mạng xã hội với giá 44 tỷ USD.
Peiter Zatko, còn được biết đến với biệt danh Mudge, cho rằng Twitter đã đánh lừa công chúng và Elon Musk về các hoạt động bảo mật của công ty trong đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan quản lý và Bộ Tư pháp Mỹ. Tuy vậy, vào tuần trước, các cáo buộc của ông bị các giám đốc điều hành của Twitter bác bỏ mạnh mẽ trong cuộc họp nội bộ.
Theo DealBook, tuy đều là cáo buộc gian lận, lời buộc tội của cả 2 không hề giống nhau. Vị tỷ phú nói rằng các số liệu công khai của Twitter về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng là sai lệch. Zatko lại cáo buộc Twitter trong nhiều năm qua đã "xuyên tạc và có nhiều thiếu sót lớn” trong các biện pháp bảo vệ an ninh và quyền riêng tư mà công ty tích hợp trên nền tảng của mình.
Theo Chancery Daily, Zatko chỉ là một trong số hơn 100 trát mời hầu tòa được gửi lên tòa án từ các luật sư của cả Musk và Twitter trước thềm xét xử vào tháng 10. Cả 2 nhóm pháp lý đã gửi một loạt trát yêu cầu triệu tập đến các ngân hàng, nhà đầu tư và thậm chí gửi đến lẫn nhau.
Việc CEO Tesla tận dụng các tuyên bố của Zatko có thể đại diện cho một bước ngoặt trong vụ kiện đình đám về thỏa thuận với Twitter. Nhiều khả năng với lời khai mới, Musk có thể sẽ cần sự cho phép của tòa án để sửa lại các lập luận phản đối của mình trước Twitter. Tuy vậy, yêu cầu của ông có thể bị chủ tọa từ chối bởi thời điểm diễn ra vụ kiện đã đến rất gần.
Một lựa chọn khác mà Musk có thể sẽ sử dụng là đưa ra một vụ kiện gian lận chứng khoán liên bang, lập luận rằng ông có quyền từ bỏ thỏa thuận này theo luật quản lý chứng khoán. Luật sư của ông Musk, Alex Spiro, đã ám chỉ trong cuộc điều trần vào tuần trước rằng vị tỉ phú có thể sử dụng lập luận rằng lo ngại của cựu giám đốc an ninh đáng lẽ phải được tiết lộ trong báo cáo thường niên mới nhất của công ty.
Tuy đã từng có công ty bị kết tội gian lận chứng khoán theo điều khoản trên, nhưng yêu cầu để tòa quyết định tội danh này là rất cao. Theo Ann Lipton, giáo sư về quản trị doanh nghiệp tại Trường Luật Tulane, từ năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật nhằm hạn chế số lượng các vụ kiện giả mạo.