4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (31/8-3/9) là cơ hội thu hút du khách, tăng doanh doanh thu du lịch tại những điểm đến trên khắp Việt Nam. Song, đây cũng có thể là khoảng thời gian để gỡ gạc đối với một số địa danh sở hữu tài nguyên phong phú nhưng bất lợi về mặt địa lý, thời tiết, chẳng hạn như Phú Quốc và Côn Đảo.
Tuy vậy, theo khảo sát của Tri Thức - Znews, mùa lễ 2/9 năm nay, công suất buồng phòng của một số khách sạn tại Côn Đảo, Phú Quốc khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái, dù đặc điểm khí hậu không quá khác biệt so với năm 2023.
Ngành du lịch tại 2 nơi rơi vào thế gọng kìm. Một mặt do thời tiết không thuận lợi. Mặt khác địa phương chịu sự biến động của phương tiện kết nối giữa đất liền và đảo. Đáng chú ý, đối với Côn Đảo, việc Vietjet Air dời thời gian khởi động đường bay đến huyện đảo kéo dài thách thức về giao thông cũng như thời gian gồng lỗ của một số người làm du lịch tại đây.
Công suất dưới mức kỳ vọng
60-70% là tỷ lệ lấp phòng dự kiến để đảm bảo lợi nhuận cũng như duy trì hoạt động kinh doanh tại mỗi cơ sở của Maya Hotel. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy một ngày nữa là đến thời gian nghỉ lễ, tình hình công suất phòng 2/9 năm nay tại 3 chi nhánh chưa chạm đến 30% mặc dù khách sạn không phụ thu phát sinh.
Maya Hotel là một khách sạn tầm trung nằm tại khu vực trung tâm Côn Đảo. Vị trí đều thuận tiện di chuyển đến một số địa danh nổi tiếng như Nghĩa trang Hàng Dương, chợ hải sản đêm (đường Phạm Văn Đồng), nhà tù Côn Đảo, Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp),... Lượng khách đặt phòng không đạt như kỳ vọng khiến công việc làm ăn tại đơn vị có phần ảm đạm.
"Vào dịp lễ 2/9 năm nay, Maya vắng hơn mọi năm rất nhiều. Từ đây đến cuối năm, Côn Đảo thường hay có bão và gió chướng, tàu du lịch đưa khách đến đảo sẽ bị hạn chế hơn. Tôi vẫn chưa thể xác định tình hình du lịch chung tại địa phương vào những tháng cuối năm", bà Ngọc Sương, đại diện cơ sở trên, chia sẻ với Znews.
Du khách tham gia tour tìm hiểu về hoạt động sinh sản, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo hồi tháng 6. Ảnh: Linh Huỳnh.
Song, việc đảm bảo lợi nhuận trong ngành khách sạn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình, các sản phẩm kinh doanh,... Còn ở Velar Hotel, công suất các tháng thấp điểm tại Côn Đảo cần phải đạt ít nhất 30% trở lên để có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh, cũng như chuẩn bị cho những kế hoạch năm 2025 sắp tới.
Số liệu từ phòng kinh doanh The Secret Côn Đảo cho thấy đơn vị đón khách nhộn nhịp hơn vào 2 ngày cuối tuần trước lễ (31/8-1/9). Tuy nhiên, công suất phòng cho riêng ngày 2/9 thì lại không đông như mọi năm.
"Với tình hình du lịch trầm lắng tại Côn Đảo như năm nay thì hầu như không còn phân biệt được mùa cao điểm hay thấp điểm. Sau lễ 2/9, dự kiến tình trạng du lịch đảo những tháng cuối năm không có nhiều khả quan, mặc dù có một tín hiệu tốt là những nhóm khách nước ngoài nhỏ lẻ bắt đầu tìm đến Côn Đảo vào dịp này. Tuy nhiên con số tăng trưởng không đáng kể", bà Kendra, Giám đốc phòng Kinh doanh và Truyền thông đơn vị trên cho biết.
Trong khi đó, đại diện phòng Văn hóa và Thông tin tại Côn Đảo cho biết tính trong 7 tháng đầu năm, lượng khách đến Côn Đảo có phần tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa cao điểm khai thác du lịch là từ tháng 3-8 hàng năm. Thời điểm còn lại có phần hạn chế du khách hơn (do thời tiết xấu không đảm bảo tàu chạy, cũng như sự an toàn của hành khách).
Đối với những tháng thấp điểm, một số khách sạn tại Côn Đảo buộc phải giảm giá phòng, cắt phần lợi nhuận từ việc phụ thu lễ nhằm tạo điều kiện cho du khách đến đảo du lịch. Ngoài 2 đơn vị trên, khách muốn đến Côn Đảo nghỉ dưỡng dịp lễ 2/9 có thể liên hệ một vài tọa độ lưu trú có mức giá phải chăng như Nam Hai Con Dao Hotel, Velar Hotel, Nereus Hotel, Nicobar Con Dao Hotel, Havana Con Dao Hotel,...
Còn tại Phú Quốc, lễ 2/9 là mùa du lịch nội địa tại Việt Nam. Tuy nhiên, dòng khách trong nước đặt tour vi vu đến đảo ngọc cũng không nhiều như cùng kỳ năm ngoái. Đa phần lượng khách thuộc thị phần nước ngoài.
Du khách có thể sẽ phải đội mưa nếu du lịch Phú Quốc vào tháng 9. Ảnh: Duy Hiệu.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Du Lịch Việt, một trong số đơn vị khai thác tour tại Phú Quốc, cho biết tình hình tour tuyến tại đây bán chậm hơn so với mọi năm. Nguyên do là giá tour cao, ảnh hưởng từ sự hạn chế chuyến bay.
"Ngoài Phú Quốc lễ 2/9 năm nay khá vắng khách nội. Giá vé máy bay cao gấp 1,5 lần so với mùa cao điểm du lịch hè. Vào cặp ngày cao điểm như lượt đi 1/9, lượt về lúc 3/9, vé máy bay hết sớm và giá tăng cao lên đến 5 triệu đồng/vé/khách. Bên cạnh đó, một phần lý do sức mua tour chậm là bởi học sinh, sinh viên chuẩn bị tựu trường, lượng khách giảm", ông Vũ nói.
Về phía đơn vị khách sạn địa phương, theo ghi nhận của PV, thị trường sử dụng dịch vụ lưu trú đa phần đến từ nước ngoài. Đơn cử như tại Sunset Beach Resort & Spa.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Quản lý phòng kinh doanh - marketing đơn vị trên, cho biết tỷ lệ đặt phòng dịp 2/9 tại đây đạt khoảng 80%. Song, lượng khách chính lại là khách quốc tế từ Ấn Độ, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và một phần nhỏ khách Hàn Quốc.
"Chúng tôi đã thực hiện giảm giá phòng, không phụ thu dịp lễ nên tỷ lệ lấp đầy phòng có phần khả quan hơn so với một số khách sạn trong cùng khu vực", bà Tươi cho hay.
Cũng giống như Côn Đảo, đơn vị lưu trú tại địa phương cũng áp dụng chính sách giảm giá phòng, miễn phí phụ thu. Nhưng điều trái ngược là Côn Đảo hút khách nội còn Phú Quốc được khách quốc tế ưa chuộng hơn.
Gỡ rối sao?
Nếu theo dõi diễn biến về phương tiện giao thông kết nối du lịch ở Côn Đảo, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy những thăng trầm thể hiện qua việc Bamboo Airway ngừng khai thác đến Côn Đảo từ tháng 4, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) tạm ngừng vận tải khách tuyến TP.HCM - Côn Đảo từ 29/7 (rơi vào cao điểm hè).
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 7, thông tin Vietjet Air được cho là sẽ nhảy vào thị trường hàng không Côn Đảo vào tháng 8, theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, đến nay, cơ quan hàng không trên chưa có động thái cập nhật điểm đến Côn Đảo vào các chuyến bay trong tháng 8 trên trang web chính thức. Điều này vô hình trung kéo dài thách thức về mặt đi lại cũng như doanh thu đáng lẽ ngành du lịch tại đây có thể nhận được khi hãng bay thông chuyến.
Ngoài du lịch văn hóa, Côn Đảo còn sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu trong lành. Ảnh: Linh Huỳnh.
Liên tục đón nhận thông tin không mấy khả quan từ thị trường, bà Kendra từ The Secret Côn Đảo, cho rằng ngành công nghiệp không khói tại Côn Đảo nên đề ra những phương án giúp tạo thế cân bằng giữa loại hình du lịch tâm linh và hình thức du lịch khác như nghỉ dưỡng, bền vững,... để tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên, cảnh quang, hạ tầng, không khí đẹp, trong lành khác.
"Việc Côn Đảo đã định vị thành công là một điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng là một điều đáng ghi nhận vì không phải điểm đến nào cũng thể làm được. Tuy nhiên, do hình ảnh này quá nổi trội dẫn đến những điều hay ho và thú vị khác tại đảo lại không được nhìn nhận một cách đúng đắn, rõ nét. Chúng tôi cho rằng việc nhận định về điểm đến không chỉ là một địa danh về du lịch tâm linh vẫn cần có thời gian để du khách tiếp nhận và thay đổi góc nhìn", vị Giám đốc phòng Kinh doanh nói với Znews.
Đồng quan điểm, ông Lân Nguyễn, Tổng quản lý Velar Hotel, nhận định Côn Đảo còn sở hữu nhiều hệ sinh thái độc đáo được bảo tồn nghiêm ngặt và những cảnh đẹp bền vững xứng tầm là điểm đến nói không với rác nhựa. Do đó, dù là hình thức du lịch nào cũng cần phải được phát triển bền vững và ngang bằng nhau thì du khách mới có thể hưởng lợi nhiều nhất.
Du khách tắm biển tại Côn Đảo hồi tháng 6. Ảnh: Linh Huỳnh.
Trong khi đó, về phía chính quyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cho hay du lịch nghỉ dưỡng tại Côn Đảo đã được định vị phát triển từ trước cả loại hình du lịch văn hóa (bao gồm tâm linh,...). Tuy nhiên, hình thức này tương đối nổi trội hơn, vì vậy du khách đã "tạm quên" đi Côn Đảo đẹp như thế nào.
"Chúng tôi vẫn đang nổ lực tìm kiếm giải pháp, tham kiến các ban, ngành để đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp vào cả mùa cao điểm và mùa gió chướng tại đảo, tạo thế cân bằng giữa du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, bền vững,... để đa dạng thị trường khách", đại diện đơn vị cho biết.
Đối với Phú Quốc, ông Vũ từ Du Lịch Việt đánh giá điều quan trọng nhất địa phương cần tập trung giải quyết là phương tiện vận chuyển.
Bên cạnh đó, theo ông Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), Phú Quốc cần minh bạch về giá cả, tạo cảm giác yên tâm cho du khách khi "móc hầu bao" cũng như đồng bộ hệ sinh thái đi kèm với chất lượng cơ sở lưu trú hạng sang tại địa phương.