Mới đây, thương hiệu xa xỉ của Vương quốc Anh mua lại nhà máy sản xuất áo khoác Pattern SpA của Ý với giá 21 triệu euro để đảm bảo năng lực sản xuất, cũng như bổ sung thêm nhiều kỹ thuật tân tiến cho trang phục mặc ngoài của thương hiệu, WWD đưa tin. Vào năm 2018, Burberry đã mua lại nhà sản xuất đồ da CF&P lâu đời của Ý và giữ lại những nhân viên và thợ thủ công đã làm việc chặt chẽ với thương hiệu Anh trong những năm qua.
Burberry cho biết, trong gần hai thập kỷ, họ đã hợp tác với Pattern để sản xuất quần áo may sẵn cao cấp tại địa điểm phát triển sản phẩm của Pattern ở Turin, Ý. Khoảng 70 nhân viên của Pattern tại Turin sẽ gia nhập Burberry sau khi hoàn tất thương vụ mua lại, dự kiến vào cuối năm nay. Burberry cho biết, Pattern sẽ tiếp tục vận hành các bộ phận kinh doanh không có trong giao dịch.
Giám đốc điều hành Burberry, Jonathan Akeroyd, mô tả khoản đầu tư này là “bước quan trọng tiếp theo trong việc đưa danh mục trang phục mặc ngoài của chúng tôi phát huy hết tiềm năng. Nó sẽ nâng cao khả năng của chúng tôi, dựa trên nền tảng vững chắc của chúng tôi ở Vương quốc Anh và cung cấp khả năng kiểm soát tốt hơn đối với chất lượng, việc giao hàng và tính bền vững của các sản phẩm của chúng tôi. Đó là một sự phát triển thú vị và tôi rất vui mừng được chào đón các đồng nghiệp mới về cùng một đội”.
Burberry cho biết việc mua lại bao gồm nhân viên, thiết bị và hàng tồn kho. Các hoạt động mới được mua lại sẽ vẫn ở địa điểm hiện tại ở Turin. Cả Burberry và Pattern đều có chung cam kết về tính bền vững. Tất cả năng lượng mà Pattern sử dụng tại các địa điểm của mình là từ các nguồn tái tạo và công ty đang trên đà đạt được mức trung hòa carbon tại địa điểm Turin trong năm 2023.
Sau khi thỏa thuận được hoàn tất, "hiệu quả đối với công ty sẽ là có nhiều nguồn tài chính tăng thêm, mà ban lãnh đạo dự định phân bổ để tiếp tục tăng trưởng của Tập đoàn thông qua các giao dịch M&A tiếp theo, để cải thiện và xây dựng trụ sở mới ở Turin, cũng như phân phối cổ tức bất thường phải được sự chấp thuận của các cổ đông," công ty cho biết thêm trong một thông báo. Sau một chặng đường phát triển thông qua việc mua lại, Burberry ngày nay đã có tới 12 công ty ở 7 khu vực của Ý.
Ở giai đoạn khởi nghiệp, nhà sáng lập Thomas Burberry (khi đó 21 tuổi) chỉ đơn giản là muốn tạo ra những bộ quần áo giúp người Anh chống chọi với mưa gió.
Năm 1856, ông chính thức thành lập cửa hàng "Thomas Burberry and Sons" ở Basingstoke. Việc đầu tiên ông làm là nghiên cứu kỹ lưỡng về loại vải có thể giúp quần áo không bị ướt khi đi mưa. Năm 1879, cuối cùng thành công cũng gõ cửa và Thomas Burberry đã được cấp bằng sáng chế cho vải gabardine - chất liệu chuyên dùng để thiết kế những bộ quần áo thoải mái, thoáng khí và chịu được thời tiết.
Chất lượng tuyệt vời của gabardine thậm chí còn được kiểm chứng ở tận Vòng Bắc Cực bởi nhà thám hiểm vùng Cực người Na Uy, Tiến sĩ Fridtjof Nansen. Nhiệt độ nơi đây có lúc xuống tới -35 °C. Gabardine còn vinh dự được trở thành loại vải đầu tiên được bay đường dài ra nước ngoài (đến Nga). Edward Maitland là người thực hiện chuyến bay này. Năm 1955, Nữ hoàng Elizabeth II cấp giấy chứng nhận đặc biệt về khả năng chịu thời tiết của gabardine, khẳng định chất lượng tuyệt vời của những thiết kế làm từ chất liệu này.
Từ một thương hiệu ra đời vì muốn sản xuất quần áo chống mưa, chống nắng cho người dân Anh, Burberry đã dần phát triển thành biểu tượng cho sự sang trọng của đất nước. Năm 2001, Christopher Bailey, sinh ra ở Yorkshire, đảm nhận vai trò Giám đốc Thiết kế và gắn bó với thương hiệu trong 17 năm sau đó. Anh luôn cố gắng giúp Burberry thích ứng với sự phát triển của kỹ thuật số và công nghệ, đồng thời duy trì di sản văn hóa và lối sống của người Anh. Những thay đổi trong tầm nhìn của anh được phản ánh rõ nét qua các bộ sưu tập của hãng, từ táo bạo, hoài cổ đến thành thị.
Hiện tại, Burberry đã mở rộng ra rất nhiều dòng sản phẩm như Prorsum, London, Thomas Burberry, Sport, Brit, Beauty, Watches, Eyewear. Trong thập kỷ qua, Burberry không chỉ hướng tới mục tiêu duy trì hình tượng cổ điển mà còn chăm chỉ làm mới mình cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Burberry là một trong những thương hiệu đầu tiên phát trực tuyến buổi trình diễn thời trang hoặc đăng trước bộ sưu tập lên Twitter. Hãng cũng là thành viên của Sáng kiến Thương mại Đạo đức (Ethical Trading Initiative) và cho ra mắt dự án vải Burberry bền vững.
Trước sự ra đi của giám đốc sáng tạo tiền nhiệm Tisci, các cổ đông đã kêu gọi trẻ hóa và nâng cao dịch vụ xa xỉ của hãng để thúc đẩy doanh số bán hàng. Được coi là cuộc cải tổ lớn, việc bổ nhiệm Daniel Lee diễn ra chỉ vài tháng sau khi Jonathan Akeroyd bắt đầu đảm nhận vai trò CEO vào đầu năm 2022. Ông Jonathan Akeroyd cho biết, rằng công ty sẽ tập trung nhiều hơn vào di sản Anh quốc và đặt mục tiêu Burberry trở thành công ty trị giá 5 tỷ bảng Anh (tăng từ 3 tỷ bảng Anh hiện nay), tăng gấp đôi doanh số bán phụ kiện và quần áo phụ nữ với các phụ kiện chiếm 50% doanh thu từ 37% hiện tại và tỷ suất lợi nhuận hoạt động tăng lên trên 20%.