Với nhiều người dân Mỹ, New York là nơi phải thuê nhà cả đời nếu muốn sinh sống, làm việc tại thành phố này.
Nhiều người yêu bầu không khí sôi động, bận rộn của Big Apple, nhưng đồng thời chấp nhận việc sở hữu bất động sản ở đây ngày càng xa tầm với và có thể không bao giờ thực hiện được, theo NY Times.
Khoảng 66% các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ sở hữu nhà riêng. Ở New York, tỷ lệ giảm xuống một nửa. Ở khu vực Bronx, chỉ 1/5 hộ gia đình có nhà đứng tên họ.
Nguồn cung căn hộ ít ỏi
Dân cư của New York tiếp tục tăng với tốc độ nhanh, mặc dù số lượng nhà ở mới được xây dựng trong thập kỷ vừa qua ở mức ít ỏi.
Trong khoảng 20 năm đổ lại, thành phố có thêm 800.000 cư dân, theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ. Trong cùng thời gian đó, chỉ có hơn 438.000 căn hộ và nhà dành cho hộ gia đình được xây mới.
Tuần trước, Ủy ban hướng dẫn thuê nhà, cơ quan phụ trách điều chỉnh giá thuê ở New York, đã bỏ phiếu để tăng giá thuê thêm 3,25% đối với các căn hộ có giá thuê ổn định.
Tháng 5, giá thuê trung bình ở khu Manhattan đạt 4.000 USD , mức cao nhất được ghi nhận bởi công ty môi giới Douglas Elliman.
Với mức thuê nhà đắt đỏ, một bộ phận người dân ở New York thường bỏ qua khâu chăm sóc y tế và nha khoa để có thêm tiền trả tiền nhà. Họ không còn cách nào khác ngoài thuê nhà tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Mặc dù chuyển đến nơi khác bớt đắt đỏ hơn là lựa chọn khả thi, điều này vẫn đòi hỏi một khoản tốn kém khi chuyển đi.
Theo Charles McNally, Giám đốc phụ trách đối ngoại của Trung tâm NYU Furman, thị trường nhà ở tại Big Apple gặp căng thẳng vì tổng hợp các yếu tố, như dòng người đổ về, tình trạng khan hiếm nhà và giá thuê các căn hộ cũ cũng không thoát khỏi vòng xoay tăng giá.
“Khi có những hạn chế về nguồn cung, giá thuê những căn sẵn có càng bị đẩy cao lên. Nhiều người mua lại, cải tạo và sau đó bán hoặc cho thuê với giá cao hơn”, ông nói.
Trong số 1,2 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp ở thành phố, 78% đang gặp gánh nặng tiền thuê nhà, nghĩa là họ chi hơn 30% thu nhập của mình cho phần này, theo một báo cáo tài trợ giảm tiền thuê nhà mà văn phòng điều hành công bố vào mùa hè năm ngoái.
3 thế hệ lớn lên trong căn nhà thuê
Gia đình của Celia Aguilera (57 tuổi, gốc Cộng hòa Dominica) đã sinh sống ở New York hơn 60 năm, khi cha mẹ bà nhập cư vào New York vào năm 1960. Celia sinh ra và lớn lên trong một căn hộ diện tích bé, có 2 phòng ngủ thuê ở khu Chelsea với mức giá 56 USD khi bà còn bé.
“Khi mẹ tôi qua đời vào năm 2010, tôi vẫn ở lại nơi cũ. Đó như một truyền thống. Căn hộ này đã chứng kiến cả cuộc đời của tôi và bố mẹ. Hai đứa cháu ngoại 3 tuổi và 12 tháng tuổi cũng sinh ra ở đây. Một thế hệ mới lại tiếp nối”, bà Celia nói.
Hai năm trước, tòa nhà nơi gia đình ở được đặt dưới quyền quản lý mới. Bà Celia có cơ hội mà rất nhiều người thuê nhà dài hạn ở New York mơ ước: mua lại căn hộ mình đang ở.
Thông qua các luật sư, bà đã biến căn nhà thuê thành tài sản của gia đình, trong 3 lần thanh toán. Giờ bà Celia có thể làm sửa chữa, cải tạo không gian sống mà không cần hỏi ý kiến chủ tòa nhà. Bà đang có kế hoạch đập bỏ một bức tường trong căn hộ và thay đổi phòng tắm.
Trong khi đó, bà Sandra Rodriguez, người có gần 40 năm thuê nhà ở New York, không được may mắn như vậy.
Năm 2019, tòa nhà mà cô ấy chuyển đến ở 36 năm trước, bị phá bỏ. Đại học Columbia dự định xây dựng thêm cơ sở mới ở vị trí của tòa nhà cũ. Sau khi nhận được tiền đền bù, bà Sandra chuyển đến khu Bronx, nơi bà lại tiếp tục thuê nhà.
Cũng là dân nhập cư từ Dominica, bà Sandra đến New York vào năm 1986 và làm việc tại một xưởng may. Trong căn hộ 2 phòng ngủ với giá thuê 311 USD /tháng, bà đã nuôi nấng 3 người con, đón tiếp những người họ hàng nhập cư khác. Căn hộ trở thành nơi ở của nhiều thế hệ.
“Bà ấy vẫn bực khi phải trả tiền thuê nhà. Bà ấy cho là không công bằng khi một phụ nữ đã dành cả đời mình cống hiến cho thành phố mà cuối cùng lại bị bỏ rơi vì đồng tiền.
Giống như hầu hết người dân New York, bất chấp việc không được thành phố hỗ trợ, mẹ tôi tự hào vì đã sống sót qua những ngày hỗn loạn nhất và nuôi dạy những đứa con trưởng thành ở đây”, con gái của bà Sandra, cho hay.