Câu hỏi:
Theo quy định hiện nay, tổng thu nhập hàng năm ở mức nào sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Và việc xác định mức thuế phải nộp sẽ được tính như thế nào?
Độc giả Hải Anh, 27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Trả lời:
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI
Điều 1 Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chỉ áp dụng với cá nhân sau khi trừ các khoản giảm trừ thuế nêu trên mà vẫn còn thu nhập.
Như vậy, những cá nhân có thu nhập bình quân từ 11 triệu đồng/tháng trở lên, tương đương hơn 132 triệu đồng/năm, sẽ phải nộp thuế theo công thức:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất
Trong đó: Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ theo quy định.
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Mức thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân sẽ được căn cứ theo các Điều 22, 26 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
- Đối với cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì sẽ khấu trừ 10% thuế TNCN theo từng lần chi trả thu nhập.
- Đối với cá nhân không cư trú tại Việt Nam, thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, nhân với thuế suất 20%.