Từ đầu năm 2024, giá nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam liên tục tăng cao.
Giá cà phê trong nước và thế giới liên tục tạo đỉnh mới. Tính đến 19/2/2024, giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, hiện giá trung bình là 81.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 81.400 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá khá cao với 81.000 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 81.400 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 80.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức 81.000 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 81.100 đồng/kg.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), với những diễn biến trên dự báo năm 2024 tiếp tục là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. Hiệp hội cũng nhận định, mặc dù sản lượng có thể giảm song kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và dự kiến có thể đạt khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.
Thực tế, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việc xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và giá trị đã kéo giá cà phê nội địa lên mức cao.
Trong khi đó, sầu riêng của Việt Nam chứng kiến giá tăng mạnh đầu năm. Sầu riêng Monthong loại A hiện được các vựa ở Tiền Giang mua giá 200.000 đồng/kg, tăng gần 20% so với cuối năm ngoái. Giá này bằng đỉnh cũ cách đây một năm. Với mức giá này, theo tính toán của nhà vườn, dù phải đầu tư lớn để xử lý ra quả nghịch vụ nhưng lợi nhuận mang về lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107,0% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6%.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh năm 2024 sẽ tăng thêm 30%.
Bên cạnh cà phê và sầu riêng, năm 2023, ngược dòng với nhiều nhóm hàng của ngành nông nghiệp, mặt hàng gạo thắng đậm chưa từng có khi vượt qua tất cả các dự báo và mục tiêu đặt ra hồi đầu năm, bà con nông dân thì 'được mùa, trúng giá'.
Đầu năm 2024, Việt Nam trúng đấu thầu 300.000 tấn từ Indonesia, chiếm 60% lượng gạo đấu thầu mà nước này muốn mua. Việt Nam sắp vào vụ Đông Xuân với sản lượng lớn nhưng giá gạo xuất khẩu vẫn đang duy trì 640 USD một tấn, tương đương mức đỉnh năm ngoái. Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Trong đó, nhóm hàng nông, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đà thành công từ năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục tự tin bước vào năm mới Giáp Thìn 2024 với nhiều tín hiệu lạc quan.