Apple sẽ công bố báo cáo tài chính quý II/2022 (quý III/2022 theo năm tài chính của hãng) vào ngày 28/7. Theo CNBC, quý II hàng năm thường là giai đoạn thấp điểm của Apple.
Tuy nhiên, báo cáo tới đây sẽ rất được quan tâm, giữa bối cảnh chỉ số tiêu dùng giảm mạnh, lãi suất và lạm phát tăng phi mã.
Kẻ trụ vững trên thị trường
Khi so sánh với bức tranh chung của thị trường công nghệ, doanh số của Apple vẫn ổn định nhờ đối tượng khách hàng khá giả của mình. Mặt khác, vì là công ty công nghệ hàng đầu, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy người dùng ít mua iPhone hoặc máy tính Mac do lạm phát, suy thoái kinh tế đều có thể trở thành chỉ dấu cho toàn bộ ngành công nghệ.
Theo chuyên gia Rod Hall của Goldman Sachs, sức tiêu thụ ở thị trường cao cấp châu Âu có thể sụt giảm do tỷ lệ lạm phát cao và chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm.
Khác với các ông lớn công nghệ khác như Alphabet, Tesla, Microsoft hay Meta, Apple không công bố cụ thể về việc cắt giảm nhân sự hay chi phí sản xuất. Song, theo Bloomberg, tập đoàn đã âm thầm hoãn các đợt tuyển dụng mới. Một số chuyên gia còn cho rằng ban quản lý của Apple đang cân nhắc về việc giảm vốn đầu tư cho một số lĩnh vực.
Nhìn chung, giới phân tích đều rất lạc quan về tình hình của Apple trong quý III/2022 với vị thế tiền mặt ổn định, lượng khách hàng trung thành đông đảo và những sản phẩm nổi bật trên thị trường.
Nhưng câu hỏi đặt ra là sự an toàn này có kéo dài được lâu khi cổ phiếu giới công nghệ đang trên đà lao dốc và thị trường suy thoái. Theo CNBC, cổ phiếu Apple đã giảm 15% kể từ đầu năm nay nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 18% của chỉ số Nasdaq Composite.
“Apple vẫn là kẻ trụ vững trong lĩnh vực thiết bị điện tử với mức tăng trưởng doanh thu hơn 60%, lượng người dùng trung thành lớn và liên tục có những cải tiến về sản phẩm và dịch vụ. Chúng tôi tin rằng hãng sẽ ít phải chịu ảnh hưởng của suy thoái nếu so với các đối thủ”, chuyên gia Huberty của Morgan Stanley khẳng định.
Trong đó, theo CNBC, chìa khóa để Apple đứng vững trong thời kỳ này là sự tăng trưởng của mảng kinh doanh dịch vụ, áp đảo cả mảng phân phối thiết bị của hãng. Dịch vụ của Táo khuyết hiện bao gồm dịch vụ tính phí hàng tháng, phí giao dịch, bảo hành, phí giấy phép cho công cụ tìm kiếm của Google và phần lớn doanh thu đến từ App Store của iPhone. Mảng kinh doanh này đã thu về mức lợi nhuận cao hơn cả lĩnh vực sản xuất thiết bị.
Vì thế, FactSet kỳ vọng mảng dịch vụ của Táo khuyết sẽ tăng trưởng 12% so với năm trước. Con số này vẫn giảm mạnh so với mức tăng trưởng 27% Apple dự đoán hồi năm 2021.
Vấn đề còn tồn đọng ở quý II
Theo khảo sát của FactSet với các nhà phân tích, Apple có thể đạt doanh thu 82,8 tỷ USD vào quý II, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng ước tính thấp nhất kể từ đầu thời kỳ Covid-19 đến nay.
Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Apple sẽ là 1,16 USD, giảm 10,7% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 43,7% ở quý trước xuống còn 42-43%.
Vấn đề của Apple không nằm ở sụt giảm nhu cầu tiêu dùng mà đến từ khó khăn trong chuỗi cung ứng. “Ngay lúc này, điều mà chúng ta cần quan tâm nhất là dây chuyền cung ứng sản phẩm”, CEO Tim Cook từng nói với các nhà phân tích hồi tháng 4, trong buổi báo cáo tình hình kinh doanh quý I.
Gã khổng lồ công nghệ cũng cảnh báo các vấn đề chuỗi cung ứng như thiếu hụt chip và nhà máy ngừng hoạt động có thể khiến doanh thu của hãng giảm tới 8 tỷ USD trong quý II. Nhưng giới chuyên gia cho rằng Apple sẽ xoay sở tốt trước tình trạng này và hạn chế ảnh hưởng đến doanh thu ở mức thấp nhất.
“Chúng tôi tin rằng Apple sẽ giải quyết khó khăn về nguồn cung tốt hơn dự tính, đồng thời tiếp tục thu lợi lớn từ thị trường smartphone và máy tính”, nhà phân tích Sidney Ho của Deutsche Bank nhận định.
Chuyên gia cũng kỳ vọng lượng iPad bán ra sẽ có dấu hiệu khởi sắc sau thời kỳ chững lại do tập đoàn tập trung linh kiện để sản xuất iPhone và các dòng sản phẩm khác.
“Chúng tôi cho rằng doanh thu iPad sẽ tăng trưởng nhờ chuỗi cung ứng được cải thiện. Vì thế, cảnh báo doanh thu sụt giảm 8 tỷ USD vào quý II sẽ khó lòng xảy ra với dòng thiết bị này”, nhà phân tích T. Michael Walkley của Canaccord Genuity chia sẻ.
Ở thị trường Trung Quốc, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng vướng phải hàng loạt chướng ngại như lệnh giãn cách do đại dịch Covid-19. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số iPhone bán ra vào đầu quý. Tuy nhiên, đến tháng 6, doanh thu có phần khả quan hơn vì quy định được gỡ bỏ, nhu cầu mua tăng mạnh.
FactSet cũng dự đoán doanh số của hãng ở Trung Quốc sẽ đạt khoảng 13,79 tỷ USD, giảm mạnh so với con số 14,56 tỷ USD vào năm trước đó.