Xuất khẩu thủy sản chạm mốc 8,5 tỷ USD
Theo VASEP, riêng tháng 9/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 850 triệu USD đưa kim ngạch 3 quý đầu năm chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắt đầu từ tháng 10 nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ tăng bởi đây là giai đoạn để phục vụ mùa lễ hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phải bảo đảm cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe song các doanh nghiệp đều đang nỗ lực tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động. Mục tiêu cuối cùng không chỉ tăng giá trị xuất khẩu mà còn tăng chất lượng, tạo dựng thương hiệu cho thủy sản Việt.
Để có được kết quả trên, công lớn thuộc về 2 sản phẩm thủy sản chính là tôm và cá tra với mức tăng trưởng ấn tượng.
Tôm vốn đóng góp khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, sau chặng đường 9 tháng đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Còn riêng cá tra, giá xuất khẩu mặt hàng này bình quân sang các thị trường trong 9 tháng đầu năm nay đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng qua, cá tra đã mang về doanh thu xuất khẩu 2 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ. Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mức kỷ lục 2,5 - 2,6 tỷ USD, cao hơn gấp rưỡi so với năm 2021.
Hướng đến việc phát triển ngành thủy sản, xuất khẩu bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40%. Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng, góp khoảng 14 - 17 tỷ USD vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Mới đây, để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu Chính phủ cũng ban hành Quyết định 985/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Đa số doanh nghiệp cho rằng những động thái này thể hiện sự quan tâm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, hướng tới hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản theo hướng chất lượng, đi sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của ngành thủy sản trong đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp.
Xuất khẩu cá tra quý II, quý III vẫn đạt con số ấn tượng.
Tổng cục Thủy sản đánh giá, thách thức lớn nhất của xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm là đảm bảo cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm, giữa sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Điều này đang được các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng để khách hàng chấp nhận chi trả mức giá cao hơn thay vì bán được nhiều sản phẩm với giá rẻ.
Xuất khẩu cá tra sang nhiều nước ASEAN tăng đột biến
ASEAN là một trong những khối thị trường chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam, và đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu sản phẩm này. Tính đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các nước ASEAN ước đạt hơn 152 triệu USD, chiếm gần 8% tổng xuất khẩu cá tra đi các thị trường. Những thị trường có trọng số lớn trong khối ASEAN gồm Thái Lan, Singapore, Philiipin và Singagore.
Trong đó riêng Thái Lan hiện đang chiếm tới 3,6% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến hết quý 3/2022 đạt trên 70 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan bật tăng cao, với mức 165%.
Tăng đột phá nhất trong tháng 9 là thị trường Philippines, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ. Do đó, tới cuối quý 3, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng 92% đạt trên 25 triệu USD, chiếm 1,3% tổng xuất khẩu cá tra.Đứng thứ 2 về tiêu thụ cá tra Việt Nam trong khối ASEAN là Singapore với trên 28 triệu USD trong 9 tháng năm nay, tăng 56% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Singapore tăng gấp hơn 3 lần. Malaysia cũng chiếm tỷ trọng tương đương Philippines trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu cá tra trên 26 triệu USD trong 9 tháng qua, tăng 114%.
Trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng tăng mạnh 138%.Tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn, nhưng các nước khác trong khối ASEAN, như: Campuchia, Indonesia, Lào đều có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhập khẩu cá tra của Việt Nam, với mức tăng trưởng gấp 3 tới 23 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, các sản phẩm thủy sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thủy sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân.
Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn như Trung Quốc, Mỹ, CPTPP, EU... từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đặt hàng. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã có các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân ngang bằng với quý II/2022.
Đối với nguồn nguyên liệu, dự báo cũng sẽ bảo đảm bởi sự liên kết trong sản xuất cá tra khá chủ động chiếm đến 80 - 90% tổng diện tích nuôi cá tra.
Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, kim ngạch cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mốc kỷ lục 2,5 đến 2,6 tỷ USD, cao hơn 56% so với năm 2021.