Thứ Sáu tuần trước, FTX đã nộp đơn xin phá sản khi không nhận được khoản “cứu trợ” từ Binance. Những gì đang diễn ra ở công ty tiền số này đang khiến nhiều người lo ngại rằng thị trường tiền số đang mấp mé trước bờ vực chứng kiến “khoảnh khắc Lehman Brothers”.
Trong những năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, bảng cân đối kế toán của Lehman đã có rất nhiều các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn. Giá trị của những khoản vay này nhanh chóng lao dốc cùng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, gây hiệu domino cho cả nền kinh tế toàn cầu và dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.
Khi bong bóng bất động sản của Mỹ vỡ tung và một số định chế tài chính lớn nhất bắt đầu lung lay, Fed đã can thiệp để giải cứu Bear Stearns nhưng lại để Lehman phá sản. Vào thời điểm sụp đổ là tháng 9/2008, Lehman là ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ với tài sản khoảng 650 tỷ USD.
Sự sụp đổ của một doanh nghiệp lớn như Lehman Brothers có gốc rễ từ một lượng lớn các công cụ phái sinh phức tạp cùng các hợp đồng hoán đổi nợ xấu. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến giá trị của hàng loạt tài sản bốc hơi và một cuộc suy thoái sâu sắc xảy ra làm kinh tế toàn cầu mất hàng nghìn tỷ USD.
Tình hình của FTX thật ra không tồi tệ đến vậy, nhưng cũng là một vấn đề đáng ngại.
Khoảnh khắc Lehman của thị trường tiền số
Trong đơn xin phá sản, FTX đã liệt kê các loại tài sản của công ty này có giá trị từ 10 tỷ USD đến 50 tỷ USD. Và họ có hơn 100.000 chủ nợ. Dù quy mô nhỏ hơn nhiều so với Lehman, nhưng sàn giao dịch của Sam Bankman-Fried cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Về bảng cân đối kế toán, FTX chịu áp lực trước một tài sản đang cạn thanh khoản đó là đồng FTT.
Kể từ khi Coindesk tiết lộ rằng quỹ đầu tư Alameda Research của Sam nắm giữ số FTT trị giá hàng tỷ USD trên bảng cân đối kế toán thì nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tình hình tài chính của cả 2 công ty và một đợt bán tháo mạnh với đồng tiền số này cũng diễn ra.
Brent Xu - nhà sáng lập của công ty blockchain Umee, cho biết: “Nhìn chung, trường hợp của FTX rất giống Lehman vì họ sử dụng quá nhiều đòn bẩy.”
Ngoài ra, FTX còn dùng tiền của khách hàng để làm tài sản thế chấp cho hàng loạt hoạt động kinh doanh của mình, nhằm giảm thiểu tổn thất đồng thời thu hút nhiều người đầu tư hơn. Khi đợt rút vốn ồ ạt xảy ra, FTX cũng không còn khả năng đáp ứng các yêu cầu rút tiền.
Khi vụ việc của FTX được đưa tin rộng rãi, Bitcoin giảm xuống đáy 2 năm là 16.000 USD. Các đồng tiền số khác như Solana, Ether và Tether cũng “mất chốt” neo giá với đồng USD.
Hilary Allen - chuyên gia về quy định tài chính và giáo sư ngành luật tại Đại học American, nhận định: “Hệ sinh thái tiền số trở nên mong manh do lượng đòn bẩy tài chính lớn và đều có liên kết với nhau, cũng giống như hệ thống tài chính truyền thống vào năm 2008.”
Tất cả những điều tồi tệ này sẽ trở thành rủi ro cực kỳ lớn với những người để tiền trong tài khoản FTX và bất kỳ ai giao dịch với Alameda. Tuy nhiên, theo Allen, so với 14 năm trước, dường như sự sụp đổ của FTX sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô rộng.
Bà giải thích, nền kinh tế hiện vẫn dựa vào hệ thống tài chính truyền thống chứ không phải tiền số để cung cấp tín dụng và xử lý các hoạt động thanh toán. Bởi vậy, tác động tiêu cực chỉ xảy ra trong phạm vi của thị trường tiền số, nhất là khi đây là loại tài sản phổ biến với hoạt động đầu cơ.
Nhìn chung, sự kiện này sẽ không có tác động mang tính hệ thống và giá trị các đồng tiền số lao dốc cũng có thể chỉ là phản ứng tạm thời của thị trường.
David Siemer - CEO của Wave Financial, cho biết, đây là cú sốc mang tính hệ thống nhưng chưa rõ liệu sự lây lan có tác động đến cả lĩnh vực tiền số như vụ Lehman sụp đổ vào năm 2008 hay không. Ông nói: “Rõ ràng rằng, các công ty và nền tảng khác không thể mãi giấu diếm về tài sản họ dự trữ, che đậy thông tin trước nhà đầu tư và người dùng.”
Thị trường tiền số sắp tới sẽ ra sao?
Có thể, việc FTX “ngã ngựa” chỉ đánh dấu sự khởi đầu cho hàng loạt vụ sụp đổ khác trong giới tiền số và nhiều “quân cờ domino” sẽ rơi theo.
Các nhà phân tích của JPMorgan nhận định: “Dường như đợt margin call, cắt giảm đòn bẩy và phá sản của các công ty/nền tảng tiền số đang bắt đầu.”
Sự khác biệt lớn giữa sự kiện trong tuần trước và năm 2008 là “người giải cứu”. Tiền số không có sự kết nối với nền kinh tế thực như các khoản thế chấp vào năm 2008, bởi vậy sự sụp đổ này không phải là mối lo ngại với chính phủ. Song, một trong số công ty tiền số lớn nhất ngành tiền số đã bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Trong tương lai, các công ty tiền số có thể phải thay đổi hành vi hoặc các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt quy định. Năm 2008, một cuộc cải tổ về quy định tài chính lớn đã được thực hiện, các cơ quan hoàn toàn mới đã được thành lập để kiểm soát những hành động quá rủi ro vốn đã kích hoạt cuộc khủng hoảng.
Siemer cho biết: “Điều thị trường sẽ chứng kiến sẽ tương tự như thời gian trước đây, đó là các quy định được siết chặt để bảo vệ những người tham gia thị trường, cụ thể là nhà đầu tư nhỏ lẻ.” Ông dự đoán, các công ty tuân thủ và có quy định chặt chẽ sẽ phát triển mạnh mẽ nhất.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào lĩnh vực này sẽ lung lay trong một thời gian, khi những “hiệu ứng lan toả” từ vụ sụp đổ của FTX vẫn đang tiếp tục. Điển hình là BlockFi mới đây cũng thông báo họ sẽ tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền và hạn chế hoạt động trên nền tảng do tâm lý hỗn loạn gây ra bởi việc FTX phá sản.
Tham khảo BI