Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thế giới có 80 lượt tăng lãi suất. Trong đó, các nước phát triển bao gồm Mỹ và EU có mức độ tăng lớn nhưng số lần tăng không nhiều. Trái lại, các nước đang phát triển tăng lãi suất rất nhiều lần nhưng mức tăng chỉ nhỏ giọt, khoảng 0,2%/lần.
Dự kiến, với việc lạm phát tháng 6/2022 tại Mỹ lên tới 9,1%, FED sẽ tiếp tục duy trì việc tăng lãi suất. Kéo theo đó là lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khác cũng dần nhiều lên cả về số lượng lẫn bước tăng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhà điều hành tiền tệ vẫn chưa cho thấy động thái cũng như ý định tăng lãi suất trong thời gian tới. Việc này đặt ra dấu hỏi lớn đối với thị trường.
Chia sẻ tại hội thảo “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán” vừa diễn ra, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lạm phát thế giới hiện nay đang tăng rất cao khiến các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất điều hành. Đáng chú ý, nguyên nhân khiến lạm phát tăng chủ yếu đến từ xăng dầu và những đợt bơm tiền hỗ trợ kinh tế trước đó.
Trong khi đó, tại Việt Nam, lạm phát không phải do yếu tố tiền tệ nên Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất điều hành cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng, cùng với đó lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
“Tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ”, ông Lực nhấn mạnh.
Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, trong ba năm qua dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt.
Điển hình, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao về tăng trưởng với GDP đạt 2,91% trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng mạnh 6,1% thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới suy giảm.
“Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới được”, ông Thành nói.
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia này, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành liên quan đến vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi phải thận trọng.
“Mức mất giá của VND hiện nay không quá lớn nên cần ưu tiên giữ ổn định tỷ giá của VND. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cấp thiết”, ông Thành nêu quan điểm.
Còn TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn do phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu. Lẽ đó, hành động tăng lãi suất hay phá giá đồng tiền sẽ càng ảnh hưởng đến nhập khẩu cũng như nền kinh tế nói chung.
Nhìn chung, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy. Giai đoạn dịch bệnh các nước thi nhau bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi thì Việt Nam lại gần như không. Vì vậy, đến nay khi các nước phải đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, buộc phải tăng lãi suất để hút tiền về thì Việt Nam lại không phải đối mặt với vấn đề này.
“Lạm phát chi phí đẩy khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Thậm chí, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”, ông Nghĩa cảnh báo.
Để giải quyết bài toán lạm phát tại Việt Nam hiện nay, ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa, cụ thể là giảm thuế, đặc biệt là thuế xăng dầu. Bởi lẽ, mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam đang đánh thuế 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa tăng giá theo.