Sáng nay (20/1), một số cơ quan báo chí đưa tin về việc nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu dọc theo tuyến đường tỉnh 956 từ thị trấn An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) về thị trấn Long Bình (huyện An Phú) đóng cửa vì hết xăng khiến người dân xôn xao, phải lấy can nhựa đi mua xăng trong dịp gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, nhận được thông tin phản ánh của báo chí, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 4 xuống địa bàn kiểm tra ngay lập tức.
Qua báo cáo nhanh của Đội quản lý thị trường số 4, tại huyện An Phú, chỉ có 3-4 cửa hàng xăng dầu hết hàng cục bộ trong vài tiếng đồng hồ do nhà phân phối vận chuyển về hơi chậm. Hiện tại tất cả các cửa hàng nêu trên đã có xăng/dầu bán lại bình thường, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người dân…
Việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu trong mọi thời điểm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, trong đó có mặt hàng xăng dầu là trong những yêu cầu được đề ra của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Cụ thể, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành văn bản số 277/BTC-KHTC nhằm triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.
Trong đó, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho nhân dân.
Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...