Giới chuyên gia tin rằng việc sa thải hàng loạt là lợi bất cập hại. Dù giảm chi phí ngắn hạn, danh tiếng của công ty sẽ tổn hại, tăng trưởng trong dài hạn và đổi mới bị kìm hãm.
Theo một số lãnh đạo trong ngành công nghệ, các gã khổng lồ Internet đang phạm phải sai lầm lớn khi sa thải hàng loạt trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Các công ty công nghệ lớn từ Amazon, Salesforce, Spotify đến Meta đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong những tuần qua. Google cắt giảm 12.000 việc làm, còn Microsoft sa thải 10.000 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động.
Trong thời kỳ hoàng kim, các công ty công nghệ huy động một lượng tiền mặt khổng lồ, phát hành cổ phiếu ra công chúng và tuyển dụng ồ ạt. Nhưng những đợt sa thải hàng loạt sẽ thổi bay hào quang trước đó.
Những đợt sa thải bất ngờ không chỉ làm tổn hại danh tiếng của các công ty trên thị trường lao động, mà còn khiến tinh thần của những nhân viên ở lại sa sút. Điều này cũng tác động tiêu cực tới sự đổi mới.
Tinh thần nhân viên sa sút
"Mỗi lần đọc thông tin về một công ty công nghệ nào đó cắt giảm việc làm, tôi sẽ không quên", Business Insider dẫn lời ông Danny Allan - Giám đốc công nghệ của công ty phần mềm Veeam - chia sẻ.
"Dù không muốn, thông điệp mà các vị gửi đi sẽ tác động tới thương hiệu của công ty", ông nói thêm.
"Nhân viên và những ứng viên tiềm năng sẽ nhớ cách ứng phó của các tổ chức trong thời kỳ kinh tế suy yếu", ông nhận định.
Nhân viên và những ứng viên tiềm năng sẽ nhớ cách ứng phó của các tổ chức trong thời kỳ kinh tế suy yếu
Ông Danny Allan - Giám đốc công nghệ của công ty phần mềm Veeam
Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, việc sa thải giúp các công ty cắt giảm chi phí trong ngắn hạn nhưng lợi bất cập hại. Hình ảnh của doanh nghiệp sẽ xấu đi, những nhân viên còn trụ lại mất cảm giác gắn bó với tổ chức, giảm nhiệt tình trong công việc, dẫn tới doanh thu tự nguyện và khả năng đổi mới sụt giảm.
Theo ông Richard Mabey - Giám đốc điều hành của nền tảng Juro, đằng sau tình trạng sa thải hàng loạt là việc tuyển dụng thái quá trước đây. Các công ty công nghệ đã mở rộng quá mức trong thời kỳ bùng nổ.
Nhưng theo ông, việc cắt giảm thái quá cũng sẽ dẫn tới tăng trưởng chậm lại, tác động tiêu cực đến doanh thu tương lai. Ông Mabey cho rằng các công ty có thể tiết kiệm trong ngắn hạn, nhưng chịu tổn thất về trung hạn.
Ngay cả khi việc sa thải phù hợp về khía cạnh tài chính, chúng có thể làm tổn hại tới danh tiếng và con đường phát triển dài hạn của công ty.
Cản trở đổi mới
"Thứ nhất là mất khả năng đổi mới và cắt giảm nguồn lực. Các vị đang cắt giảm khoản đầu tư của mình vào công nghệ tương lai", ông Allan nhận định.
"Thứ hai, khi cắt giảm 10% lực lượng lao động, các vị đang gửi thông điệp tới nhân viên của mình rằng: 'Chúng tôi quan tâm tới tiền hơn nhân sự'", ông lập luận.
"Nhân viên sẽ nhớ rất lâu. Bởi cảm giác bấp bênh trong thời kỳ cắt giảm nhân sự rất khó chịu", ông nhận định.
Các nghiên cứu cho thấy việc sa thải ồ ạt sẽ khiến những nhân viên còn ở lại rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng. Cảm giác hài lòng trong công việc không còn. Tinh thần của họ cũng sa sút. Một số người thậm chí nghỉ việc theo.
Visier - một công ty phân tích nguồn nhân lực - nhận thấy rằng khi một nhân viên bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng, khả năng đồng nghiệp làm việc trực tiếp với họ nghỉ việc cao hơn 7,7%.
Các đợt sa thải được cho là tàn nhẫn. Trong một bài đăng trên LinkedIn, anh Dan Lanigan Ryan - một nhân sự từng làm việc trong bộ phận tuyển dụng của Google - cho biết anh đang phỏng vấn trực tuyến với một ứng viên thì bị ngắt kết nối.
Ngay sau đó, anh Ryan mất quyền truy cập vào trang web nội bộ của tập đoàn. Email của anh cũng bị chặn. Google thông báo sa thải 12.000 nhân viên khoảng 15-20 phút sau.
Sau bão sa thải, ngay cả các nhân viên trụ lại Google cũng rơi vào trạng thái hoang mang. "Nhiều người khóc nức nở. Họ liên tục lau nước mắt", một kỹ sư làm việc 10 năm cho Google kể.
Chúng tôi từng cảm thấy mình đặc biệt và thực sự là một phần của sứ mệnh, chứ không phải cỗ máy kiếm tiền. Nhưng cảm giác đó đã biến mất
Một kỹ sư Google
Một kỹ sư khác cho biết những người ở lại đều đang tức giận và buồn bã. "Chúng tôi từng tin rằng Google là một điều gì đó khác biệt", anh chia sẻ.
"Chúng tôi từng cảm thấy mình đặc biệt và thực sự là một phần của sứ mệnh, chứ không phải cỗ máy kiếm tiền. Nhưng cảm giác đó đã biến mất", vị kỹ sư nói thêm.
Nói với Business Insider, các chuyên gia cho rằng thay vì cắt giảm và tiết kiệm thái quá, công ty công nghệ nên tập trung vào việc giữ chân những nhân viên trung thành và đào tạo nhân tài.
"Sự khác biệt bền vững của bất cứ công ty nào cũng là sức mạnh con người", ông Allan nhận định. "Chúng ta xây dựng công nghệ, nhưng công nghệ được viết bởi con người", ông chia sẻ.
"Trong môi trường kinh tế bấp bênh, điều tốt nhất các vị có thể làm là củng cố niềm tin của nhân viên và vẽ ra một tương lai rõ ràng", ông nói thêm.