Theo CNBC, 5 tập đoàn dầu mỏ lớn nhất phương Tây đã thu về gần 200 tỷ USD trong năm ngoái. Hôm 8/2, TotalEnergies của Pháp báo lãi 36,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Trước đó một ngày, gã khổng lồ dầu mỏ BP của Anh cũng báo cáo lợi nhuận năm 2022 cao kỷ lục. Hãng kiếm về gấp đôi năm 2021 nhờ giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Cụ thể, lợi nhuận chi phí thay thế cơ bản của BP - đại diện cho lợi nhuận ròng - đạt 27,7 tỷ USD trong năm 2022. Một năm trước đó, con số này chỉ là 12,8 tỷ USD.
Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát dự báo lợi nhuận ròng của BP ở mức 27,6 tỷ USD trong năm ngoái. Mức lãi kỷ lục trước đó của tập đoàn là 26,3 tỷ USD, đạt được hồi năm 2008.
Khoản lời trăm tỷ USD
Tuần trước, tập đoàn dầu khí Anh Shell cũng báo cáo lãi tổng cộng 39,9 tỷ USD trong năm ngoái, vượt kỷ lục 28,4 tỷ USD hồi năm 2008 và gấp đôi lợi nhuận năm 2021 (19,29 tỷ USD). Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận đã điều chỉnh của Shell đạt 9,8 tỷ USD.
Hôm 31/1, Exxon Mobil của Mỹ báo cáo lợi nhuận năm 2022 đạt 56 tỷ USD, đánh dấu mức lời cao nhất trong ngành dầu mỏ phương Tây. Còn Chevron báo lãi kỷ lục 36,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Big Oil (các tập đoàn dầu mỏ lớn) lãi tổng cộng 196,3 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn sản lượng kinh tế của hầu hết quốc gia. Nhưng các tập đoàn này đã dùng khoản lời khổng lồ của mình để chia chác cho lãnh đạo, cổ đông, thông qua thưởng, cổ tức và mua lại cổ phần.
Các vị có thể thấy Big Oil vừa báo lãi kỷ lục. Năm ngoái, họ bỏ túi 200 tỷ USD giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Thật thái quá
Tổng thống Mỹ Joe Biden
"Các vị có thể thấy Big Oil vừa báo lãi kỷ lục. Năm ngoái, họ bỏ túi 200 tỷ USD giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Thật thái quá", CNBC dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 7/2.
Theo ông chủ Nhà Trắng, các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ chỉ dùng một phần nhỏ trong khoản lời khổng lồ đó để đẩy mạnh sản xuất trong nước, từ đó hạ nhiệt giá nhiên liệu.
"Thay vào đó, họ dùng lợi nhuận kỷ lục để mua lại cổ phiếu, thưởng cho các CEO và cổ đông của mình", ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ đề xuất tăng thuế 300% đối với việc mua lại cổ phiếu nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn.
Bà Agnès Callamard - Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế - mô tả khoản lợi nhuận khổng lồ của Big Oil là "một thảm họa".
Kêu gọi áp thuế
"Hàng tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ cần được áp thuế không sót một đồng nào. Chúng sẽ được dùng để giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ cho những nhóm cư dân dễ tổn thương, và bảo vệ nhân quyền trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu", bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Sana Yusuf - một nhà vận động khí hậu tại Friends of the Earth - cho rằng lợi nhuận hàng năm của Shell đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, còn hàng triệu người đang phải lựa chọn giữa đồ ăn và sưởi ấm.
"Mọi người có thể dễ dàng nhận ra sự bất công. Họ phải trả chi phí nhiên liệu đắt đỏ, còn các công ty dầu khí kiếm lời hàng tỷ USD", bà nói thêm.
Trong những quý qua, lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí lớn cũng tìm cách duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Họ nhấn mạnh rằng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine là lời khẳng định cho tầm quan trọng của việc giải quyết "bộ 3 bất khả thi".
"Bộ 3 bất khả thi" là thuật ngữ được Hội đồng Năng lượng thế giới đưa ra, bao gồm sự bình đẳng năng lượng (trong các vấn đề như khả năng chi trả), an ninh và ổn định năng lượng, tính bền vững về mặt môi trường.
"Cuối cùng, thuế vẫn là do Chính phủ quyết định. Tất nhiên, chúng tôi tham gia và đưa ra các quan điểm của mình. Quan điểm của chúng tôi là trên thực tế, quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi hàng tỷ USD đầu tư, và những công ty như chúng tôi cần một môi trường đầu tư an toàn và ổn định", CEO Shell Wael Sawan lập luận.
Ông Wael Sawan lo ngại rằng thuế bất thường hoặc trần giá "sẽ làm xói mòn vào sự ổn định đầu tư".
"Tôi cho rằng cần phải có cách tiếp cận khác. Đó là thực sự thu hút vốn đầu tư trong thời điểm mà chúng ta cần đưa an ninh năng lượng vào hệ thống năng lượng của châu Âu", ông nhấn mạnh.