Bộ Giao thông vận tải vừa có Thông báo số 500/TB-BGTVT 2022 kết luận tại cuộc họp về rà soát các dự án công trình giao thông phía Bắc do Bộ quyết định đầu tư và giao cho các sở giao thông vận tải 8 tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nam, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Yên là chủ đầu tư.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, ý kiến của lãnh đạo các địa phương, chủ đầu tư các dự án; ý kiến của Vụ Kế hoạch đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương, công tác điều hành, quản lý của các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, "theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đa số các dự án giao cho các địa phương có tiến độ triển khai thi công và tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch yêu cầu. Trách nhiệm để chậm trễ nêu trên thuộc về Giám đốc các Sở giao thông vận tải", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân dự án, tuân thủ đúng quy định, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thứ nhất, với công tác giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị và Hội đồng giải phóng mặt bằng của địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng còn lại, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Thứ hai, về công tác thi công, giải ngân các dự án, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc của dự án; báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc liên quan đến thiếu nguồn cung vật liệu, nguồn cung nhiên liệu phục vụ thi công công trình để chỉ đạo giải pháp tháo gỡ kịp thời.
"Đặc biệt các dự án Quốc lộ 279 đoạn Việt Vinh – Nghĩa Đô (Km0 – Km36), tỉnh Hà Giang, Quốc lộ 21B đoạn Km41+00 - Km57+950 (Chợ Dầu – Ba Đa) tỉnh Hà Nam có tiến độ thi công, giải ngân rất chậm, việc điều chuyển vốn, kéo dài tiến độ thi công sang năm 2023 là rất khó thực hiện, Bộ Giao thông vận tải lo ngại.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án yêu cầu các nhà thầu, tư vấn tăng cường huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu, tăng ca, kíp… tập trung thi công các hạng mục công việc còn lại.
"Đặc biệt ưu tiên các hạng mục là đường găng, có thời gian thi công kéo dài như: xử lý đất yếu, công tác bê tông… để đẩy nhanh tiến độ thi công, bù lại tiến độ đã bị chậm; đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Đồng thời, tập trung bố trí bộ phận chuyên môn, phối hợp với nhà thầu hoàn chỉnh các hồ sơ nghiệm thu, thanh toán theo quy định để thanh toán cho nhà thầu đảm bảo giải ngân hết toàn bộ số vốn theo kế hoạch đã giao năm 2022.
Các chủ đầu tư rà soát chặt chẽ trình tự, thủ tục trong công tác quản lý chất lượng, các bước nghiệm thu theo đúng quy định, phối hợp với các đơn vị thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để giải trình và nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán đúng tiến độ yêu cầu.
Tại cuộc họp lãnh đạo UBND các tỉnh tham dự họp và toàn bộ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đã cam kết các dự án đều hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các cơ quan ban ngành của địa phương quyết liệt, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình, tiến độ công tác giải ngân theo đúng kế hoạch.
Riêng đối với một số dự án có tiến độ hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 10, tháng 11/2022 đang bị chậm, Bộ Giao thông vận tải đồng ý về chủ trương cho gia hạn đến ngày 31/12/2022. Các chủ đầu tư thực hiện trình tự thủ tục gia hạn tuân thủ theo quy định.