Theo ông Lệnh, Ngân hàng nhà nước (NNNN) đã ban hành hàng loạt giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ có tác động đến nền kinh tế. Mới đây là chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Đây là chính sách rất mạnh vì chỉ áp dụng cho giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008 và gần đây là thực hiện khi có đại dịch Covid-19.
Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả nợ, vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định nên vẫn có sự thuận lợi, đi vào thực tiễn cuộc sống ngay.
Đặc biệt, theo ông Lệnh, mới đây NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tốt nhất cho doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án bất động sản theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay.
“Giải pháp đảm bảo cung ứng tốt nhất nhu cầu vốn thì sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỉ đồng từ nguồn vốn chủ động của mình để cho vay. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội 8,2%/năm. Đây cũng là một lãi suất mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng mấu chốt là phải có nguồn cung, phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỉ đồng như đã nêu.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh, hàng loạt giải pháp đã ban hành, vấn đề hiện tại là thực hiện. Các doanh nghiệp nếu có gì khó khăn, vướng mắc thì có thể phản ánh, thông qua đường dây nóng.