Ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ hôm nay, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi, trong đó 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Ghi nhận sáng nay, Vietcombank giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng 0,2%/năm so với mức lãi trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng ở mức 5,8%/năm, 12 tháng ở mức 7,4%/năm, từ 24 tháng trở lên xuống còn 7,2%/năm…
Một số ngân hàng cổ phần cũng công bố giảm lãi huy động từ đầu ngày 6/3. Như Sacombank giảm lãi huy động ở kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm và mức cao nhất là 8,4%/năm thuộc kỳ hạn 36 tháng. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhà băng này đang huy động từ 5,5 - 6%/năm…
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này thường xuyên theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.