Theo một số ngân hàng, lượng vốn điều lệ được cấp theo kế hoạch hiện đang không đủ để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó cần được tiếp thêm vốn.
Tại hội nghị Hội nghị Sơ kết hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Phạm Đức Ấn- Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, vừa qua, dù đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, song tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn đang ở mức thấp. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng mang tính chất thời điểm và trong dài hạn nhà băng này vẫn cần được bơm thêm vốn.
Theo đó, vì dịch bệnh; các quốc gia thắt chặt tiền tệ; xung đột địa chính trị, đã ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng. Do đó, dù Agribank đưa rất nhiều giải pháp, như giảm lãi suất cho vay cho vay của Agribank đã giảm từ 2-4%, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp.
Ông Ấn nói thêm, việc tăng trưởng tín dụng thấp của Agribank còn vì tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra, việc khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay; vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác; cơ cấu lại tình hình tài chính; thanh toán trái phiếu đã phát hành, nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay; hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, một số trường hợp sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh cũng ảnh hưởng không ít đến việc phát triển dư nợ của ngân hàng.
Tuy nhiên, đại diện Agribank cho rằng, những vấn đề này chỉ mang tính thời điểm và trong dài hạn ngân hàng vẫn cần được bổ sung vốn. Theo đó, Agribank đã được Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa là 17.100 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2023. Tuy nhiên, số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Agribank”, ông Ấn nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại hội nghị đã trình bày tham luận và cũng có kiến nghị cho phép các NHTMCP Nhà nước được tăng vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại tọa đàm cho biết, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành của các nhà băng đã được củng cố và nâng cao. Đến nay đã có 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị nhà điều hành cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023.
Việc tăng vốn điều lệ là để các ngân hàng củng cố năng lực tài chính, mở rộng khả năng cho vay. Trong giai đoạn 2020-2021, nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước từng có yêu cầu các nhà băng không chia cổ tức tiền mặt, giữ lại lợi nhuận để đảm bảo an toàn hoạt động. Theo thống kê của chúng tôi, dù được cơ quan điều hành “bật đèn xanh” để chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại trong năm 2023, song phần lớn ngân hàng đều chọn giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hoặc phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) để tăng vốn điều lệ. Đồng thời, chỉ có chỉ có 6/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán là TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank chia cổ tức bằng tiền mặt.
Về lý do chọn không chia cổ tức tiền mặt, giữ lại lợi nhuận và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, các ngân hàng giải thích việc này là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay, giữ chân nhân tài...