Theo CNN, các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, những xung đột địa chính trị và tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả tăng vọt trên toàn cầu.
Tại Anh, lạm phát đã vượt mức 10% trong tháng 7 và hạ nhiệt còn 9,9% vào tháng 8. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, lạm phát được dự báo tăng lên ngưỡng 80%.
Hôm 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp. Các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu cũng đang chật vật đối phó với lạm phát. Ít nhất 75 ngân hàng đã nâng lãi suất chuẩn trong năm qua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,3% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Trong khi đó, lãi suất quỹ liên bang ở mức 3-3,25%, sau khi Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vừa qua.
Fed là ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới, bởi đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu trong hơn 70 năm qua. Đây là lý do giới đầu tư toàn cầu dồn sự chú ý vào các cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed.
Ngân hàng Anh (BoE)
Tỷ lệ lạm phát tại Anh hiện là 9,9%, lãi suất chuẩn ở mức 1,75%. Chu kỳ tăng lãi suất của BoE bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái. Tháng trước, cơ quan này đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong vòng 27 năm.
BoE đáng lẽ sẽ có cuộc họp chính sách tháng 9 trong tuần trước. Tuy nhiên, cuộc họp bị hoãn một tuần sau cái chết của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)
Vào tháng 7, ECB đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Kể từ năm 2014, cơ quan này duy trì lãi suất ở mức âm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát hiện tại ở khu vực đồng tiền chung euro đạt 9,1%. Trong tháng này, ECB đã mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát.
Tình hình kinh tế ở 19 quốc gia thành viên của khu vực không giống nhau. Do đó, giới phân tích lo ngại rằng những quốc gia có gánh nặng nợ lớn như Italy và Hy Lạp sẽ chịu thiệt hại vì lãi suất tăng cao.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)
Trái ngược với các ngân hàng trung ương khác, tháng trước, PBoC đã cắt giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm từ 2,1% xuống 2%, lần cắt giảm thứ hai trong năm nay.
Tháng này, PBoC đã giữ nguyên lãi suất. Động thái của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì các đợt bùng phát Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.
Lạm phát của Trung Quốc ở mức 2,5%, thấp hơn nhiều các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, động thái của PBoC vẫn gây bất ngờ vì nước này đang phải đối mặt với bom nợ phình to, lạm phát tiêu dùng và sức ép với đồng nhân dân tệ.
Ngân hàng Nhật Bản (BoJ)
Nhật Bản đang có tỷ lệ lạm phát 2,8%, lãi suất tiêu chuẩn ở mức âm 0,1%. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết ông "hoàn toàn không có kế hoạch" tăng lãi suất.
Tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản đã chậm lại vào mùa hè này. Ông Kuroda cho biết nước này sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách nhằm đảm bảo rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên dẫn tới ổn định tiền lương và giá cả.
Ngân hàng Trung ương Argentina
Tỷ lệ lạm phát hiện tại ở Argentina đã lên tới 78,5%. Tháng này, ngân hàng trung ương nâng lãi suất 550 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên 75%.
Ngân hàng Trung ương Argentina đã nâng lãi suất 9 lần trong năm nay, nhưng chưa có ý định chấm dứt chu kỳ tăng.
Trong nhiều năm, chính phủ Argentina đã vay nợ ồ ạt để tài trợ cho ngân sách, khiến các khoản nợ phình to. Nước này đang đàm phán về việc tái cơ cấu khoản nợ 45 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.