Ảnh minh họa
Thống kê của MarketTimes trên 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý 2 cho thấy, rất nhiều nhà băng đã có tăng trưởng tín dụng cao trên 9% trong nửa đầu năm 2022.
Cụ thể, có 15 ngân hàng đang ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng trên 9%. Cao nhất phải kể đến HDB khi nhà băng này đã tăng cho vay gần 17% so với hồi đầu năm. Mức tăng này cũng đã cao vượt tăng trưởng cho vay của HDB trong cả năm 2021 (14%).
Trong số các ngân hàng có tăng trưởng cho vay trên 10% chỉ trong vòng nửa năm còn điểm tên của các ngân hàng như SeABank (15%), Vietcombank (14,58%), MBB (14,28%), Techcombank (12,81%), ABBank (12,65%), VietBank (11,26%), VPBank (10,48%) và VIB (10,03%). Thấp hơn nhưng vẫn tăng trên 9% gồm SaigonBank, VietinBank, BIDV, Bản Việt Bank, ACB và NamABank.
Số liệu: Báo cáo tài chính Quý 2/2022 các ngân hàng
Với việc đẩy mạnh cho vay, tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng đã cao vượt cả năm 2021. Tiêu biểu như ABBank, năm 2021, tăng trưởng cho vay của ngân hàng chỉ tăng gần 9%. Tương tự, SaigonBank năm 2021 cho vay chỉ tăng 6,8% thì chỉ trong vòng nửa đầu năm 2022, dư nợ cho vay đã được đẩy lên 9,69%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp tăng mạnh. Nhiều nhà băng cũng theo đó mà đẩy mạnh hoạt động tín dụng, xài hết “hầu bao” đã được NHNN cấp trong nửa đầu năm và kỳ vọng sẽ tiếp tục được nới room trong nửa cuối năm.
Dù việc đẩy mạnh cho vay để đáp ứng nhu cầu tín dụng của thị trường, song trong danh sách xuất hiện khá nhiều cái tên của các ngân hàng vốn nhỏ như VietBank, SaigonBank, Bản Việt Bank, NamABank.
Đồng thời, xét về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, ngoại trừ những ngân hàng top đầu như VCB, MBB, BIDV, ACB, CTG, TCB thì phần lớn các nhà băng còn lại trong danh sách đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Tiêu biểu, tỷ lệ này ở ABB chỉ là 52%, VIB 54%, SaigonBank 53%, Bản Việt Bank 55%, thấp hơn nữa là VietBank khi chỉ ở mức 38%.
Tăng trưởng cho vay cần đi kèm kiểm soát rủi ro nợ xấu. Dù những khoản vay đầu năm chưa hình thành nên nợ, song nhiều nhà băng lớn vẫn tiếp tục gia tăng/duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhằm tạo bộ đệm an toàn trong quá trình phòng thủ trước những rủi ro liên quan.
Tuy vậy, trong tháng 7/2022, với việc NHNN tuyên bố giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14% trong khi tăng trưởng tín dụng đến 26/7 đã là 9,4% đồng nghĩa với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ cho dù NHNN chưa có động thái nâng lãi suất điều hành.
Các nhà phân tích vẫn đang kỳ vọng việc nới room sẽ được thực hiện vào cuối quý 3/2022 cho một số nhà băng có chất lượng tài sản tốt.
Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm, nhưng triển vọng tăng trưởng theo năm sẽ tích cực do mức cơ sở so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021. Nhìn xa hơn, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 dự kiến (17% so với cùng kỳ) sẽ giảm tốc so với năm 2022 (32% so với cùng kỳ), do tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại và áp lực trích lập dự phòng tăng lên.
Rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.
Trong nửa cuối năm nay, SSI cho rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn hướng đến hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng và các khoản vay tới các lĩnh vực rủi ro sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. “Trong nửa đầu năm 2022, NHNN đã chọn cách tiếp cận thận trọng và trì hoãn việc tăng lãi suất nhằm có thể hỗ trợ nền kinh tế hậu Covid. Tuy nhiên, với việc áp lực lạm phát đang gia tăng, NHNN có thể sẽ áp dụng các biện pháp linh hoạt để ổn định tỷ giá trước xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu”, SSI dự báo.