Theo trang Mirror, khách hàng của hai nhà cung cấp năng lượng Octopus Energy và Ovo Energy có thể nhận khoảng 100 Euro nếu sử dụng điện ngoài giờ cao điểm, thường là vào ban đêm.
Hai công ty năng lượng này đang có kế hoạch triển khai các sáng kiến để giúp Vương quốc Anh tránh mất điện trong những tháng lạnh giá nhất.
Theo sáng kiến tiết kiệm của công ty Octopus triển khai từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, khách hàng sẽ được trả trung bình khoảng 4 bảng Anh (tương đương 4,46 USD) cho mỗi số điện được tiết kiệm trong giờ cao điểm. Hành động này có thể cho phép khách hàng tiết kiệm tới 100 bảng Anh trong mùa Đông.
Để có đủ 100 Euro, một khách hàng của Octopus cần phải giảm thời gian sử dụng 1kWh một hoặc hai lần một tuần, tổng cộng là khoảng 25 lần. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể nhận được 10 Euro nếu sử dụng máy giặt vào ban đêm.
“Thay vì cắt điện toàn bộ khu vực nếu chúng ta thiếu khí đốt, chúng ta có thể thưởng cho những người sử dụng tiết kiệm điện. Chúng tôi là nhà cung cấp điện đầu tiên đem đến cho khách hàng dịch vụ này, và chúng tôi hy vọng những nhà cung cấp khác sẽ học theo. Với cách làm này, châu Âu có thể ngăn chặn được sự cố mất điện trên diện rộng và tiết kiệm chi phí cho người dân”, Giám đốc điều hành Octopus Greg Jackson giải thích.
Đối với công ty Ovo, sáng kiến tương tự này được triển khai dưới tên gọi “Phong trào Điện năng”. Nhà cung cấp Ovo cũng sẽ thưởng cho khách hàng lên tới 100 bảng Anh nếu như chuyển sang dùng điện trong ngoài giờ cao điểm.
Ovo muốn khách hàng tình nguyện cắt giảm mức sử dụng năng lượng từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối xuống dưới 12,5%. Lý do là bởi 19% điện năng thường được sử dụng trong khoảng ba giờ cao điểm này. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài từ 1/11 năm nay đến 31/3 năm sau.
Raman Bhatia, Giám đốc điều hành của Ovo cho biết: “Ngành năng lượng của Vương quốc Anh đang ở một thời điểm quan trọng, và chúng tôi cần một mạng lưới có đủ khả năng phục hồi để giúp cả đất nước vượt qua mùa đông khó khăn này.”
“Thử nghiệm này cung cấp dữ liệu tiêu dùng thiết yếu có thể được chia sẻ với Chính phủ và Hệ thống lưới điện quốc gia để ngăn ngừa tình trạng thiếu điện và cung cấp cho khách hàng cái nhìn sâu sắc hơn về thói quen tiêu thụ năng lượng của họ cùng với tiềm năng to lớn khi tiết kiệm.”
Đầu tuần này, mạng lưới điện quốc gia ESO cảnh báo Anh có thể bị cắt điện luân phiên 3 giờ một lần vào mùa Đông tới trong trường hợp chính phủ không thể đảm bảo nhập khẩu đủ điện và khí đốt.
Các công ty hy vọng rằng những sáng kiến này sẽ giải phóng thêm 2GW, đủ để cung cấp điện cho khoảng 600.000 ngôi nhà.
Châu Âu vẫn lo lắng dù dự trữ năng lượng gần đây
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết gần 90% kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy. Một số nước thậm chí đã hoàn tất việc tích trữ. Ví dụ, Pháp hôm 5/10 thông báo chiến dịch dự trữ khí đốt cho mùa đông 2022-2023 đã hoàn tất, với lượng dự trữ đạt hơn 99%.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá tình hình hiện không tệ. Nếu không có bất ngờ - về chính trị và kỹ thuật - và thời tiết bình thường như mọi năm, châu Âu có thể trải qua mùa đông với rất ít tổn thương.
Dù vậy, căng thẳng vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn.
"Trong bối cảnh hiện tại, không loại trừ việc Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt đường ống cho EU trước thềm mùa nóng 2022-2023. Đây là thời điểm dễ tổn thương nhất trên thị trường khí đốt châu lục", báo cáo đánh giá.
Châu Âu thuận lợi lắp đầy kho khí đốt trước mùa đông năm nay là nhờ vẫn nhập khẩu được một phần từ Nga vài tháng qua. Cùng với đó, Trung Quốc mua ít khí đốt hơn bình thường do hoạt động động kinh tế chậm lại. Viễn cảnh có thể thay đổi vào năm 2023, đặc biệt là với Trung Quốc.
Năm tới, nếu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc tăng lên khi kinh tế hồi phục, châu Âu sẽ có vài tháng tích trữ khó khăn, bắt đầu từ tháng 3 đến mùa đông. "Mùa đông năm nay khó khăn. Nhưng mùa đông năm tới có thể còn khó hơn", Birol phân tích. Theo ông, việc chuẩn bị cho mùa đông năm sau cần bắt đầu ngay từ bây giờ.
Tiến sĩ Jack Sharples, Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết sự phục hồi của Trung Quốc và mùa đông lạnh hơn bình thường ở châu Á chắc chắn sẽ làm nóng cuộc đua thu mua LNG.
"Giờ đây, châu Âu sẵn sàng cạnh tranh với châu Á về giá cả. Châu Á vì thế sẽ cảm thấy kém thoải mái hơn, điều đó có nghĩa không phải lúc nào họ cũng chắc chắn nhận được hàng", Jack Sharples nói.
EU đang có kế hoạch áp trần giá LNG nhập vào khu vực này để ổn định thị trường. Tuy nhiên, để đua với châu Á, châu Âu sẽ buộc phải nâng trần giá mỗi khi châu Á chấp nhận trả giá cao hơn để mua hàng. Điều này có thể kích hoạt cuộc đua giữa hai châu lục, đẩy giá lên cao hơn nữa.
Tham khảo: Mirror, CNBC