Từ các ngân hàng như Morgan Stanley và Bank of America đến các quỹ lớn như TCW, Fidelity International và Franklin Templeton, một vài trong số các “tay chơi” lớn nhất trên thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng lạc quan về triển vọng của các tài sản Trung Quốc. Đây là bức tranh hoàn toàn đối lập với chỉ 1 tháng trước, khi khối ngoại rút khoảng 8,8 tỷ USD ra khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Khi đó các chỉ số liên tục lao dốc và các chuyên gia phân tích đều đưa ra những dự báo ảm đạm.
Thị trường chứng khoán đại lục đã tăng gần 7% trong tháng 11, trong khi đồng nhân dân tệ đang hướng tới tháng tăng giá đầu tiên trong 9 tháng trở lại đây.
Sở dĩ thị trường khởi sắc là do những động thái mới đây của chính phủ Trung Quốc. Nhà đầu tư cho rằng dường như Bắc Kinh đang dần chuyển sang những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đưa ra kế hoạch giải cứu thị trường bất động sản và giảm bớt căng thẳng với phương Tây.
Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ, nguy cơ đẩy các nền kinh tế phát triển vào suy thoái, họ coi Trung Quốc là 1 thị trường chủ chốt để phòng vệ cho danh mục đầu tư của mình.
“Các nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ về 1 sự kiện lớn sẽ tác động lớn đến thị trường trong năm 2023: Trung Quốc mở cửa trở lại”, David Loevinger – chuyên gia phân tích tại TCW Group nói.
Tất nhiên các nhà đầu tư nước ngoài không hề vội vã. Phiên sáng nay (21/11), chứng khoán Trung Quốc giảm điểm và nhân dân tệ suy yếu sau thông tin ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên trong 6 tháng, làm dấy lên lo ngại nước này sẽ tăng cường trở lại các biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, sau 1 năm chứng kiến dòng vốn ngoại bị rút ròng lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ và các chỉ số lao dốc mạnh nhất từ trước đến nay, dường như các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chú ý hơn đến tâm tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Miễn là Trung Quốc vẫn đem lại cơ hội kiếm tiền, nhà đầu tư sẽ quay trở lại”, Winnie Wu, chuyên gia đang làm việc tại Bank of America nhận định.
Những năm gần đây dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Trung Quốc nhằm tận dụng cơ hội từ chính sách mở cửa thị trường. Theo dữ liệu chính thức, tính đến tháng 10, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 475 tỷ USD trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng nội địa. Họ cũng nắm khoảng 11% cổ phiếu đại lục.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã rút ra hơn 100 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc – một con số cao kỷ lục. Nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy là một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhất bị điều tra và chính phủ Trung Quốc có xu hướng hi sinh tăng trưởng để giảm nợ, giảm chênh lệch giàu nghèo cũng như bảo vệ đất nước trước đại dịch Covid-19.
Kể từ đầu năm đến cuối tháng 10, chỉ số CSI 300 đã giảm gần 30%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises gồm cổ phiếu của các công ty đại lục đang niêm yết trên sàn Hong Kong giảm 40%.
Dẫu vậy, vì giá các tài sản Trung Quốc đã giảm xuống quá sâu, nhiều ông lớn phố Wall nhận định thị trường đã chạm đáy và sắp đi lên. Mới đây Morgan Stanley dự báo đến cuối năm 2023 chỉ số MSCI China sẽ tăng 14%.
“Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc không thể đóng cửa mãi mãi. Các thông tin tiêu cực đều đã được phản ánh vào giá. Có lẽ điều tồi tệ nhất đã qua”, Catherine Yeung, giám đốc đầu tư của Fidelity International phát biểu.
Một số lo ngại nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, ít nhất thì trong vài năm tới Trung Quốc vẫn cần đến dòng vốn ngoại. Theo Morgan Stanley, cán cân vãng lai thâm hụt khiến Trung Quốc sẽ khát vốn cho đến cuối thập kỷ này. Trung Quốc cần ít nhất 150 tỷ USD vốn ngoại mỗi năm để lấp đầy lỗ hổng. Và đó chính là cơ hội để các nhà đầu tư kiếm tiền.
Tham khảo Bloomberg