Theo hãng tin Yohap (Hàn Quốc), từ ngày 22/6 đến 24/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Phái đoàn đi cùng Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến công du lần này bao gồm các lãnh đạo của 205 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG, Hanwha, Hanjin và Hyosung...
Các tập đoàn này đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy tại Việt Nam, đóng góp lớn vào kinh tế địa phương và kinh tế đất nước.
Samsung
Samsung hiện đang vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam gồm: Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) ở Yên Phong, Bắc Ninh; Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) tại Phổ Yên, Thái Nguyên, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Samsung cho biết, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu của tập đoàn này.
Sau 15 năm có mặt, Samsung đã đầu tư tại huyện Yên Phong 9,3 tỷ USD, góp phần quan trọng biến Bắc Ninh từ tỉnh nghèo vươn lên đứng đầu cả nước về quy mô sản xuất công nghiệp và đứng thứ 2 về xuất khẩu (chỉ sau TP Hồ Chí Minh).
Các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân. Tại đây, Samsung đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng khu ký túc xá hiện đại, với đầy đủ các tiện ích như phòng internet, phòng gym, phòng chiếu phim, thư viện, phòng y tế…
Kế tiếp Samsung Bắc Ninh, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn giải ngân đến nay là 7,3 tỷ USD. Đây là khu tổ hợp công nghệ thứ hai của Samsung ở Việt Nam. SEVT cùng với SEV là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.
Tại Thái Nguyên, Samsung là động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Sự hiện diện của Samsung đã đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc và thứ 4 cả nước về giá trị xuất khẩu, sau TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bình Dương.
Tại khu Công nghệ cao quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, Samsung Electronics SEHC đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á của Samsung.
LG
Hiện Tập đoàn LG có 7 dự án đang đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD thuộc các công ty: LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical LG International.
3 nhà máy LG Electronics Vietnam Haiphong, LG Innotek Vietnam Haiphong và LG Display Vietnam Haiphong mang về hơn 8 tỷ USD doanh thu cho LG trong năm 2020
Hyosung
Hyosung không được biết đến nhiều như hai chaebol nói trên, do các sản phẩm của họ không phải là hàng tiêu dùng, mà là nguyên liệu sản xuất phục vụ các nhà sản xuất lớn như Goodyear, Yokohama, Michellin, hay Adidas, Nike, Puma...
Hyosung đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, với nhà máy sản xuất Tire Cord đầu tiên tại Đồng Nai. Kể từ sau nhà máy đầu tiên đó, Hyosung đã liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2008, Hyosung xây dựng thêm nhà máy sản xuất Spandex, sau đó, tới năm 2014 tiếp tục mở rộng đầu tư; năm 2010, xây nhà máy Steel Cord; năm 2012, mở thêm Nhà máy Technical Yarn…
Đặc biệt trong 2 năm 2015 - 2016, Hyosung đã dồn dập xây dựng thêm các nhà máy Nylon, Ticord, PTMG, Motor… ở Đồng Nai. Năm 2018, tập đoàn này mở thêm Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà máy sản xuất vải mành của Hyosung tại Khu công nghiệp Tam Thăng Quảng Nam. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Hyosung tại Việt Nam lên tới khoảng 4 tỷ USD.