Các chính sách này bao gồm trợ cấp chi phí sinh hoạt, quy định mức giá bán buôn… Tính tới tháng 8, các chính phủ châu Âu đã phân bổ tổng cộng 276 tỷ USD cho việc ứng phó khủng hoảng năng lượng.
Sử dụng dữ liệu từ viện nghiên cứu chính sách kinh tế Bruegel (Bỉ), biểu đồ thông tin dưới đây thể hiện mức phân bổ tài chính của các quốc gia cho hoạt động này và tỷ lệ phần trăm trong GDP của mỗi nước trong giai đoạn từ tháng 9/2021 tới tháng 8/2022.
Tính về giá trị tuyệt đối, Đức là quốc gia chi nhiều nhất để ứng phó khủng hoảng năng lượng với 60,2 tỷ USD. Các biện pháp hỗ trợ chính bao gồm trợ cấp 300 USD một lần cho mỗi người lao động và 147 triệu USD cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Tuy nhiên, chi phí năng lượng của các hộ gia đình tại Đức được dự báo sẽ tăng thêm 500 USD trong năm nay.
Theo sau Đức là Italy và Pháp với lần lượt là 49,5 tỷ USD và 44,7 tỷ USD. Ở Italy, người lao động và người về hưu nhận được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 200 USD. Các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ nước này bao gồm giảm thuế cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, trong đó có khoản hỗ trợ 800 triệu USD cho ngành ô tô.
Hai nước còn lại trong top 5 là Anh và Tây Ban Nha với lần lượt 37,9 tỷ USD và 27,3 tỷ USD. Ở Anh, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong mùa đông này. Chính phủ Anh dự kiến hỗ trợ 477 USD cho mỗi hộ gia đình để bù đắp chi phí.
Tính theo tỷ lệ phần trăm trong GDP, mức chi của Hy Lạp lớn nhất khi chiếm tới 3,7% GDP. Theo sau là Lithuania và Italy với lần lượt là 3,6% và 2,8%.