Theo dữ liệu được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố hôm 31/1, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng 1.135 tấn vàng trong năm 2022, đánh dấu mức cao nhất 55 năm. Năm 1967, các ngân hàng châu Âu ồ ạt mua vàng từ Mỹ, đẩy giá vàng tăng vọt và khiến thị trường vàng miếng London đóng cửa.
Các ngân hàng trung ương ráo riết mua vàng vì những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine.
"Đụng độ giữa Moscow và phương Tây cho thấy việc nắm giữ các tài sản từ kinh tế phương Tây, chẳng hạn USD, rất rủi ro", Nikkei Asia dẫn lời nhà phân tích tài chính và kim loại quý Koichiro Kamei nhận định.
Đẩy mạnh mua vàng
Trung Quốc là khách hàng lớn. Nước này mua vào tổng cộng 62 tấn vàng trong 2 tháng cuối năm ngoái. Đây là năm đầu tiên trong vòng 3 năm Trung Quốc ghi nhận dự trữ vàng tăng lên. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh còn có thể mua nhiều hơn con số chính thức.
Tính từ đầu năm 2022 đến tháng 11, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ được Trung Quốc nắm giữ đã giảm khoảng 20%. Bắc Kinh đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Một trong số các biện pháp là mua dầu bằng nhân dân tệ.
Một số ngân hàng trung ương mua nhiều vàng bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ (148 tấn), Qatar (35 tấn), Uzbekistan (34 tấn) và Ấn Độ (33 tấn). Những con số này được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tính toán dựa trên báo cáo của các quốc gia với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Không phải tất cả tổ chức đều công khai lượng vàng mà họ nắm giữ, hoặc họ có thể công khai muộn", WGC cho biết trong một báo cáo. "Chúng tôi không loại trừ khả năng có nhiều thương vụ mua vàng hơn nữa nhưng không được công khai", WGC nói thêm.
Trong khi đó, theo nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima, Nga đã bổ sung lượng vàng được sản xuất trong nước vào dự trữ ngoại hối.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng cường mua vàng trong vòng 10 năm qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vị thế của USD bị đe dọa
Theo phân tích của Rakuten Securities, lượng vàng được Nga nắm giữ đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua lên 2.298 tấn. Theo sau là Trung Quốc với mức tăng khoảng 950 tấn.
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng từ khoảng 10% lên 20%. Còn Venezuela ghi nhận mức tăng 70 điểm phần trăm, đạt 80%.
Ngoài tránh tác động của các biện pháp trừng phạt, một số quốc gia tăng mua vàng vì lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và lạm phát.
Việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng là tín hiệu cho thấy vị thế thống trị của USD đang bị xói mòn
Ông Yuichi Ikemizu, Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản
Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã mua ròng 125 tấn vàng trong 10 năm qua, đưa lượng nắm giữ lên 244 tấn. Cơ quan này cho rằng vàng không liên quan trực tiếp tới bất cứ nền kinh tế nào và có khả năng chống chịu trong tình trạng hỗn loạn của các thị trường tài chính toàn cầu.
Việc đẩy mạnh mua vàng đồng nghĩa với giảm phụ thuộc vào USD. Đồng bạc xanh chiếm hơn 70% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong năm 2000. Nhưng tỷ lệ này hiện giảm xuống dưới 60%.
Trên thực tế, đồng USD vẫn là tiền tệ thống trị, chiếm 88% giao dịch toàn cầu. Nhưng Trung Quốc đã mua dầu từ Nga và Iran bằng nhân dân tệ. Đồng tiền của nước này vươn lên vị trí thứ 5 trong các giao dịch toàn cầu.
"Việc các ngân hàng trung ương tăng mua vàng là tín hiệu cho thấy vị thế thống trị của USD đang bị xói mòn", ông Yuichi Ikemizu, Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản, nhận định.
"Nếu các nước tiếp tục giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh, đòn trừng phạt tài chính của châu Âu và Mỹ sẽ kém hiệu quả hơn. Và điều này có thể làm tình trạng phân mảnh toàn cầu nghiêm trọng hơn nữa", ông nói thêm.