Nội dung chính:
- Các quỹ ETF vàng toàn cầu đã bán ròng 3 tỷ USD (tương đương 110 tấn vàng) trong năm 2022.
- Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á đều góp phần vào sự sụt giảm chung của tỷ lệ nắm giữ toàn cầu trong năm.
- Tháng 12 là tháng thứ 8 liên tiếp có nhu cầu âm nhưng là tháng thứ ba liên tiếp tốc độ bán ròng chậm lại.
Thị trường vàng năm 2022 chứng kiến hoạt động bán ròng 3 tỷ USD của các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (quỹ ETF vàng), đồng nghĩa với việc các quỹ này giảm nắm giữ 110 tấn vàng, tương đương mức giảm 3% so với năm ngoái.
Điều này phản ánh một năm thú vị đối với các quỹ ETF vàng khi nhu cầu tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm (chủ yếu do rủi ro địa chính trị), sau đó giảm dần về cuối năm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Cuối năm 2022, tổng giá trị tài sản các quỹ ETF vàng đạt mức 203 tỷ USD (3.473 tấn).
Lượng vàng nắm giữ tại các quỹ niêm yết Bắc Mỹ và châu Á giảm mạnh nhất năm 2022
Lượng vàng nắm giữ của các quỹ ở Bắc Mỹ đã giảm 3 tỷ USD (tương đương 75 tấn vàng) trong năm 2022, chủ yếu do 2 quỹ lớn và có thanh khoản cao nhất là SPDR Gold Trust và iShares Gold Trust. Khu vực này đã chứng kiến một khởi đầu mạnh mẽ với lượng vàng nắm giữ 4 tháng đầu năm lên đến 188 tấn. Những tháng sau đó, các quỹ bán vàng ra khi lợi suất và đồng USD tăng giá.
Tại châu Âu, lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF vàng vẫn tích cực trong 11 tháng năm 2022 nhưng cuối cùng kết thúc ở mức giảm hơn 1% so với năm 2021, tương đương 15 tấn vàng (943 triệu USD). Lượng vàng tại các quỹ ETF châu Âu phục hồi tương đối do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine và những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Các quỹ châu Á đã giảm lượng vàng nắm giữ tới 21 tấn (1 tỷ USD) trong năm qua, chủ yếu do lượng vàng nắm giữ của các quỹ Trung Quốc giảm đáng kể nhưng bù lại phần nào bởi nhu cầu từ các quỹ Nhật Bản và Ấn Độ.
Khác với Bắc Mỹ và châu Âu, các quỹ châu Á không ghi nhận lượng vàng mua vào tăng đột biến ở những tháng đầu năm do giá vàng trong nước cao hơn khuyến khích hoạt động bán chốt lời. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư áp dụng cách tiếp cận chiến thuật hơn trong phần lớn năm 2022.
Cả năm 2022, những quỹ ở Úc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tăng nắm giữ thêm tổng cộng 0,2 tấn. Đồng thời, các quỹ ETF vàng chi phí thấp dường như đi ngược xu hướng khi mua ròng 48 tấn.
Điểm nhấn tháng cuối năm
Tính đến tháng 12/2022, các quỹ ETF vàng chứng kiến nhu cầu suy yếu trong 8 tháng liên tiếp, lượng vàng nắm giữ trên toàn cầu giảm 4 tấn (534 triệu USD). Tuy nhiên, tốc độ bán ròng đã chậm lại nhờ giá vàng tăng 3% trong tháng.
Điểm sáng của tháng 12 là việc nhu cầu tại các quỹ ở Bắc Mỹ bắt đầu phục hồi tích cực sau 7 tháng, tăng nắm giữ 9 tấn vàng (532 triệu USD).
Trái lại, nhu cầu của các quỹ châu Âu đã giảm 14 tấn (1 tỷ USD) trong tháng 12 giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng nhấn mạnh lãi suất cần phải tăng hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, nhu cầu của các quỹ châu Á tăng nhẹ 0,8 tấn (45 triệu USD). Các quỹ ở Úc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giảm tổng cộng 0,2 tấn (20 triệu USD) ở tháng cuối năm.
Triển vọng 2023
Trong tương lai, hoạt động giao dịch vàng có thể sẽ được thúc đẩy bởi tác động qua lại giữa lạm phát và sự can thiệp của ngân hàng trung ương. Sự kết hợp 2 yếu tố nói trên cho thấy hiệu suất vàng năm 2023 có thể tương tự năm trước đó: ổn định với xu hướng tích cực. Thế nhưng, triển vọng vẫn không chắc chắn, tiềm ẩn nhiều khả năng có thể diễn biến theo chiều hướng tiêu cực hơn - Hội đồng vàng thế giới nhận định.