Trong nhiều ngày nay, thị trường tiền số dường như “không ngủ” trên mạng xã hội Twitter kể từ khi FTX, một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Bahamas, cũng là viên ngọc quý trong đế chế của người sáng lập nó, Sam Bankman-Fried, nộp đơn xin phá sản vào ngày 11 tháng 11.
Các diễn đàn trực tuyến này là nơi cộng đồng tiền điện tử từ khắp nơi thường tụ họp với nhau để mời chào token, bơm thổi giá thị trường, và đôi khi thậm chí thảo luận về những tính năng mới.
Trong những ngày sau sự sụp đổ của FTX và các công ty khác của Bankman-Fried, gồm ftx.us, một sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ và Alameda Research, một công ty đầu tư, những diễn đàn này đã trở thành nơi để các nhà giao dịch thương tiếc, nhân viên cũ nói xấu công ty và là nơi để các nhà điều hành sàn khác, như CZ của Binance và Jesse Powell của Kraken, cố gắng trấn an khách hàng .
Nói cách khác, những nơi đó bây giờ sặc mùi tuyệt vọng - không chỉ về hàng tỷ USD bị mắc kẹt trên một sàn giao dịch không còn tồn tại, mà còn về sự phức tạp của mớ hỗn độn này.
Bankman-Fried là cậu bé vàng của tiền điện tử. Anh từng học vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts và được cho là đã học được kỹ năng giao dịch và tạo lập thị trường tại Jane Street, một công ty tài chính ưu tú. Chính điều này, cùng với việc FTX chiếm lĩnh thị phần sau khi được thành lập vào năm 2019, đã thu hút được các nhà đầu tư như Sequoia, được coi là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm sắc bén nhất ở Thung lũng Silicon và Temasek, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.
Bankman-Fried đã sử dụng uy tín và khối tài sản mới kiếm được của mình - 32 tỷ USD tỷ thời điểm lập đỉnh vào tháng 1 - để quyên góp cho các chính trị gia, gây ảnh hưởng tới các nhà quản lý và mua lại các đối thủ cạnh tranh. Lẽ ra anh ấy sẽ trở thành tương lai của tiền điện tử. Nhưng thay vào đó, Sam Bankman-Fried đã trở thành tội đồ của cả thị trường.
Tiền điện tử có thể người ta trở nên giàu có rất nhanh chóng. Một vài người đã kiếm lời từ thị trường này, mua những chiếc siêu xe và tự biện minh cho sự giàu có của mình bằng cách tung hô sự vĩ đại của công nghệ Blockchain. Người nào phản đối sẽ nhận được câu trả lời quen thuộc: “Chúc bạn nghèo vui vẻ.” Sự tự tin như vậy đã khiến người ta cảm thấy thích thú khi chứng kiến những vụ lừa đảo, lỗi hệ thống, những vụ hack xảy ra với ngành này. Sự sụp đổ của FTX chắc hẳn là một đòn chí mạng.
Tất cả các pháp nhân liên quan tới FTX đều chịu thiệt hại tài chính, nhưng hậu quả thực sự không chỉ có vậy. Bankman-Fried đã khiến những người ủng hộ thất vọng, khiến các nhà đầu tư bối rối và biến các chính trị gia trở thành trò đùa. Hậu quả là các nhà lập pháp sẽ thấy ít thiện cảm hơn với thị trường này, và những nhà đầu tư crypto cũng sẽ sớm xa lánh "miền Tây hoang dã".
Những chuyện khó tin ở FTX
Một số thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra với FTX đã được tiết lộ trong các tài liệu phá sản và cả tài liệu điều tra hình sự sau khi nhà sáng lập bị bắt. Nhưng những bằng chứng ban đầu, đặc biệt là bảng cân đối kế toán do Financial Times thu được, là những tài liệu khiến người ta phải ngỡ ngàng.
Theo đó, FTX nắm giữ khoảng 1 tỷ USD tiền mặt hoặc tài sản ngang tiền, bao gồm các loại ngoại tệ và stablecoin (token tiền điện tử được neo vào đồng USD), trong khi đang nợ khách hàng 9 tỷ USD. Bankman-Fried tuyên bố đang giữ thêm 3,5 tỷ USD vốn cổ phần hoặc đầu tư mạo hiểm.
Hầu hết mọi thứ khác trên bảng cân đối kế toán - lượng tài sản được cho là trị giá khoảng 5 tỷ USD - đều là token mà FTX tự đúc hoặc đã nhúng tay vào việc tạo ra chúng, hay còn được dân chuyên gọi là “shitcoin”, hiển thị chúng lên màn hình thì cũng chẳng bõ điện năng. Như xát muối vào vết thương, từ đó tới nay FTX đã mất hầu hết tài sản lưu động trị giá khoảng 500 triệu USD, trong một vụ hack dường như được dàn dựng bởi một người trong cuộc.
Những độc giả tinh ý có thể nhận thấy đây không phải là cách hoạt động của một sàn giao dịch. Không sàn giao dịch token nào lại để một vài người nào đó nắm giữ lượng lớn tiền gửi của khách hàng, và rõ ràng là đã có lỗ hổng trong kế toán. Trong một ghi chú gửi đến nhà đầu tư, Bankman-Fried còn thừa nhận là không biết về 8 tỷ USD còn lại. Việc này được quy cho một tài khoản nội bộ "được gắn nhãn sai".
Trong các tin nhắn được đăng lên bởi The Vox, Bankman-Fried cho biết FTX đã hướng dẫn khách hàng gửi tiền trực tiếp đến Alameda nhưng chưa bao giờ kiểm tra xem nó đã được chuyển chưa (sau đó Bankman-Fried đã tweet rằng anh tưởng các tin nhắn này là riêng tư). Điều này không khớp với những gì Caroline Ellison, giám đốc điều hành của Alameda và được cho là bạn gái cũ của Bankman-Fried, đã đề cập trong một cuộc gọi với các đồng nghiệp vào ngày 9 tháng 11.
Theo Wall Street Journal , Ellison nói rằng cô và Bankman-Fried đã biết về quyết định chuyển tiền của khách hàng từ FTX sang Alameda. Kể từ khi Bankman-Fried từ chức khỏi FTX vào ngày 11 tháng 11, công ty đã từ chối bình luận, nhưng vào ngày 16 tháng 11, ông chủ mới đã tuyên bố rằng Bankman-Fried hiện không có vai trò gì tại FTX hay Alameda nên không thể phát biểu thay mặt cho công ty.
Lên tới mặt trăng…và xa hơn thế nữa
Theo CoinDesk, một trang tin tức chuyên về crypto, bảng cân đối kế toán của Alameda cũng đầy những lỗ hổng. Công ty đầu tư này đã nợ 8 tỷ USD và tài sản của nó lại bao gồm phần lớn các token do FTX tạo ra. Kết hợp hai bảng cân đối kế toán trong một tính toán sơ bộ, có vẻ như các công ty của Bankman-Fried đã nhận được khoảng 14 tỷ USD tiền gửi, vay 8 tỷ USD và huy động được gần 2 tỷ USD vốn cổ phần từ các nhà đầu tư. 5 tỷ USD đã được trả lại cho những người đủ khôn ngoan để rời đi sớm.
Hai công ty có thể nắm giữ khoảng 5,7 tỷ USD vốn cổ phần và các khoản đầu tư mạo hiểm cùng với 1 tỷ USD tiền mặt. Điều này có nghĩa là họ đã lỗ khoảng từ 4 tỷ đến 12 tỷ USD, tùy thuộc vào số tiền Alameda nợ FTX.
Sam Bankman-Fried nhấn mạnh vào ngày 15 tháng 11 rằng vấn đề của quỹ đầu tư là tính thanh khoản chứ không phải khả năng thanh toán, bởi vì nó nắm giữ nhiều tài sản kém thanh khoản nhưng có giá trị. Nhưng bảng cân đối kế toán dường như đã phơi bày sự thật về những gì mà anh coi là tài sản có giá trị.
Làm thế nào mà Alameda mất nhiều tiền như vậy? Rõ ràng là họ đã sử dụng đòn bẩy. Vào tháng 4 năm ngoái, một nhân viên cũ đã tweet rằng công ty đang thực hiện các lệnh mua vào tài sản tiền điện tử dựa trên “các yếu tố định hướng thị trường”, chẳng hạn như các tweet của Elon Musk.
Có lẽ các vị thế đòn bẩy như vậy đã hoạt động tốt cho đến tháng 11 năm ngoái, khi giá tiền điện tử đạt đỉnh trước khi lao dốc. Các giao dịch xảy ra trên blockchain đều được công khai, nghĩa là có thể tìm kiếm bằng chứng về thời điểm Alameda dường như đã phải dùng đến tiền của khách hàng tại FTX. Nansen.ai, một công ty nghiên cứu blockchain, đã xác định rằng các ví chứa tiền đều thuộc về các công ty trên.
Chỉ những bản phân tích thôi là chưa đủ chúng ta theo dõi được toàn diện. Cả hai công ty đều có thể tạo ví mới theo ý thích; nhiều giao dịch được chuyển hướng thông qua các công ty thương mại khác để xoá dấu vết. Tuy nhiên, các ví cho thấy Alameda đã cạn vốn vào mùa hè cùng lúc với các công ty tiền điện tử khác, chẳng hạn như Three Arrows Capital, một quỹ phòng hộ và Voyager, một nền tảng cho vay, và Bankman-Fried đã bảo lãnh cho Alameda bằng cách cho quỹ này vay từ khoản tiền gửi của khách hàng.
Ý tưởng Alameda hết vốn vào tháng 5 hoặc tháng 6 có thể giúp giải thích lý do tại sao Bankman-Fried lao vào giải cứu các công ty như Voyager. Người ta vẫn nghĩ anh ta tưởng mình là John Pierpont Morgan, một chủ ngân hàng đã cứu hệ thống tài chính Mỹ năm 1907. Nhưng thay vào đó, có thể anh ta đã bị dồn vào chân tường.
Alameda được cho là đã vay tiền từ Voyager, nếu nền tảng này bị thanh lý, quỹ này sẽ gặp vấn đề lớn hơn. Lối thoát duy nhất là đặt một kèo cược lớn hoặc huy động vốn. Theo báo cáo, Bankman-Fried đã cố gắng huy động vốn từ mùa hè. Anh đã bay tới Abu Dhabi 2 tuần trước, rõ ràng là để thu hút sự quan tâm. Khi vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng, anh gọi cho Sequoia và những nhà đầu tư khác đã đồng hành cùng mình từ những ngày đầu. Thậm chí anh đã phải cầu viện tới đối thủ lớn nhất của mình là CZ.
Ngoài ra còn có nhiều suy đoán tiêu cực hơn về những gì đã xảy ra. Một vài người cho rằng Bankman-Fried có thể đã sử dụng tiền của khách hàng không chỉ như giải pháp cho một vấn đề. Có lẽ Alameda đã luôn coi FTX như con heo đất của mình: ký gửi token của chính sàn giao dịch làm tài sản thế chấp để chuyển tiền điện tử có giá trị đáng tin cậy hơn, như bitcoin, ether hoặc stablecoin, sang Alameda cho mục đích giao dịch.
Những lời của Bankman-Fried dường như chứng minh chắc chắn sự thật này. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, anh đã mô tả cách xây dựng một token để làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Anh quyết định làm cho số lượng token được giao dịch và được phát hành ở mức thấp, để có thể bơm thổi thị trường dễ dàng hơn.
Sam giải thích: “Đối với 1 token trị giá 20 triệu USD, có thể vẫn chưa có đủ 20 triệu USD được rót vào đó. Nhưng bạn vẫn có thể… kiếm tiền từ nó mà, phải không? Bạn thế chấp token đó và dùng nó để vay USD.”
Sau đó, Bankman-Fried đã mô tả cách anh sử dụng các token trôi nổi này để biến thành tiền mặt, khi những token này được gửi làm tài sản thế chấp cho một khoản vay USD, “Nếu bạn nghĩ rằng nó có giá trị thấp hơn 2/3 số tiền vay, bạn thậm chí có thể lấy USD và… để lại token luôn”.
Chính kiểu lý thuyết công khai này đã khiến một số người thậm chí còn nghi ngại hơn. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, bao gồm Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã tham gia điều tra cùng với các nhà chức trách ở Bahamas. Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas và Quốc hội Mỹ đang có kế hoạch buộc anh ta phải hầu tòa vào tháng 12 này để làm chứng về những gì đã xảy ra.
Trên các diễn đàn tiền điện tử, hàng ngàn thuyết âm mưu đang được lan truyền. Tuy nhiên, giả thuyết có nhiều bằng chứng nhất là giả thuyết mà Ellison đã vạch ra cho nhân viên của Alameda vào ngày 9 tháng 11: Công ty này đã sử dụng đòn bẩy và đang phải vật lộn để trả nợ vào mùa hè, và tại thời điểm đó, họ đã quyết định dùng đến tiền của khách hàng ở FTX.
Câu chuyện này giải thích lý do tại sao các cơ quan quản lý có xu hướng chia tách các loại công ty này trong thế giới tài chính truyền thống. Các nhà môi giới bán lẻ, nơi nhận tiền gửi và nắm giữ tài sản của khách hàng, thì không được đồng thời làm một sàn giao dịch, địa điểm mà khách hàng giao dịch tài sản, và cũng phải được tách biệt khỏi các tổ chức tạo lập thị trường như ngân hàng và quỹ phòng hộ.
Giống như Binance và những sàn khác, FTX là một sàn giao dịch quốc tế mà đã cố tình tránh rơi vào một chế độ quản lý nghiêm ngặt. Vì vậy, cú sụp đổ của họ không hoàn toàn là do lỗi do các quy định lỏng lẻo của Mỹ.
Tuy nhiên, Alesia Haas của Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử khác, nói rằng sự mập mờ về quy định ở Mỹ đã “đẩy vốn ra nước ngoài”, nghĩa là sẽ có thêm nhiều khách hàng Mỹ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của FTX. Cô cho rằng các quy định về cách thức và địa điểm đăng ký giao dịch tài sản kỹ thuật số là điều cần thiết. Quốc hội có hẳn một số Uỷ ban để làm việc đó, và hẳn là bây giờ thì họ đã thấy có động lực hơn bao giờ hết.
Các sự kiện cũng đã cho thấy tiền điện tử có mối liên hệ với nhau như thế nào và mối nguy mà điều này mang lại. Khi hệ thống stablecoin Terra-Luna sụp đổ vào mùa hè, nó đã đủ để đánh sập một quỹ phòng hộ và hai nền tảng cho vay, và điều này là đủ để làm phá sản một trong những sàn giao dịch lớn nhất của thị trường tiền điện tử.
Cơn bão dường như đã loại bỏ 3 sàn giao dịch nhỏ AAX, BlockFi và Liquid, cùng 1 nền tảng cho vay Genesis, nay đã được tăng cường bởi sự thất bại của FTX. Các sàn giao dịch khác phải đối mặt với lượng rút tiền khổng lồ. Biết rằng phải mất khoảng 6 tháng để vụ sụp đổ mùa hè qua ảnh hưởng tới FTX, có vẻ giai đoạn tới chúng ta sẽ được chứng kiến khá nhiều người ra đi.
Câu hỏi lớn hơn mà các sự kiện đặt ra là liệu tiền điện tử có đáng để chúng ta tiếp tục đấu tranh hay không. FTX chỉ là dự án mới nhất và lớn nhất trong rất nhiều các dự án, doanh nghiệp và quỹ trị giá hàng tỷ USD đã phá sản một cách ngoạn mục. Hack và lừa đảo ở khắp mọi nơi.
Những điều này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi "Tại sao cứ phải bận tâm với nó làm gì?”. Một sự thật không thể chối cãi là, đã gần 14 năm sau khi bitcoin được tạo ra, mới chỉ có một số ít trường hợp sử dụng tiền điện tử (chẳng hạn như các công ty trả lương cho công nhân ở các quốc gia siêu lạm phát, như Argentina), hoặc tiền điện tử rất phù hợp để làm các công cụ cho vay và trao đổi phi tập trung. Và vào thời điểm này, kể cả những điều đó dường như cũng chỉ là có cải tiến đôi chút so với các hình thức tài chính lỗi thời hơn.
Các “siêu gồng”
Các nhà phát triển làm việc trên phần mềm cung cấp năng lượng cho chuỗi khối Ethereum, và trên hết là những người xây dựng các ứng dụng, đều tin vào lời hứa hẹn về tiền điện tử. Vào tháng 10, tại một hội nghị về tiền điện tử ở Colombia, Danny Ryan, một nhà phát triển Ethereum, đã kêu gọi khán giả làm việc trên các chức năng và ứng dụng khác ngoài những thứ liên quan đến tài chính. Và đó là hướng đi mà nhiều dự án đang thực hiện, đặc biệt là khi người ta đang bắt đầu tạo ra các blockchain mở rộng.
Stani Kulechov, người tạo ra Aave, một tổ chức cho vay phi tập trung, đang xây dựng một nền tảng mạng xã hội cho phép mọi người chuyển những người theo dõi của mình từ ứng dụng này sang ứng dụng khác, từ đó cho phép họ thoát khỏi các nền tảng mà không bị mất lượt theo dõi. Hoặc như Gitcoin, nền tảng cho phép mọi người bỏ phiếu về các khoản tài trợ sẽ được phân bổ cho thứ mà họ gọi là dự án công, chẳng hạn như phần mềm nguồn mở.
Thị trường crypto gần như là một sòng bạc, nên trông rất hay ho, sáng bóng và hấp dẫn. Sam Bankman-Fried tự định vị mình là nhà vô địch trong một lĩnh vực ít gây tranh cãi hơn trong ngành. Nhưng bây giờ, rõ ràng anh ta thực sự điều hành một trong những sòng bạc đáng ngờ nhất. Khi đế chế của Bankman-Fried đã bị hủy hoại, các fan tiền điện tử có lẽ sẽ phải trông chờ đến lượt công nghệ cơ bản tỏa sáng.