Những cửa hàng bán lẻ hoặc các thương hiệu thời trang rõ ràng là những bộ phận thích thú hơn cả với những công nghệ kiểu này, bởi hiện nay việc thử đồ là rào cản chính của người mua khi mua sắm online. Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng khi việc ghé thăm một cửa hàng trở nên bình thường trở lại khi các quy định phòng dịch được nới lỏng, những công nghệ như AR, VR vẫn có thể thừa thắng xông lên để hỗ trợ quá trình mua sắm cả trực tiếp và trực tuyến của khách hàng, từ ướm thử quần áo, phụ kiện lên người đến đặt thử đồ nội thất vào không gian nhà cửa…
Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính có khoảng 2,4 tỉ USD được chi cho quảng cáo có sử dụng AR trong năm 2021 trên toàn cầu, tăng 71% so với năm 2020.
Hãng thời trang cao cấp Hugo Boss vừa mới công bố dịch vụ thử đồ thực tế ảo hợp tác với Reactive Reality, một công ty hàng đầu về công nghệ số hóa 3D. Dự án hợp tác này cho phép người tiêu dùng trên khắp Đức, Anh và Pháp sử dụng tính năng thử đồ dựa trên số đo cơ thể thông qua hình đại diện được cá nhân hóa. Nhờ giải pháp AR được cấp bằng sáng chế của Reactive Reality, PICTOFiT, người dùng giờ đây có thể tạo một ma-nơ-canh phù hợp với số đo chính xác của bản thân trên cửa hàng trực tuyến Hugo Boss và thử các kiểu kết hợp trang phục khác nhau trong phòng thay đồ ảo.
Stefan Hauswiesner, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Reactive Reality, cho biết: “Công nghệ của chúng tôi có thể được tích hợp vào bất kỳ cửa hàng trực tuyến hoặc ứng dụng mua sắm nào, cung cấp giải pháp hoàn hảo cho cả hai bên. Hugo Boss PITCTOFiT Shopping sẽ cách mạng hóa cách người tiêu dùng tương tác với các thương hiệu thời trang yêu thích và cửa hàng trực tuyến của họ, và chúng tôi rất vui khi thấy nhiều nhà bán lẻ hơn nữa triển khai giải pháp này trong tương lai”.
Mặc dù dịch vụ thử đồ thực tế ảo không phải là quá mới mẻ ở giai đoạn này, nhưng quan hệ đối tác giữa Hugo Boss và Reactive Reality cho phép người dùng tham khảo những chi tiết nhỏ hay phức tạp nhất. Với PICTOFiT, khách hàng có thể thấy những lợi ích của các quyết định về kiểu dáng như cài áo vào trong hoặc ra ngoài, cũng như nhìn thấy mức độ trong suốt của một bộ quần áo và nó trông như thế nào với các trang phục khác.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, ông lớn ngành bán lẻ Hoa Kỳ Walmart thông báo kế hoạch mua lại công ty công nghệ phòng thử đồ ảo Zeekit (Israel). Ứng dụng của này cho phép người mua ướm thử các món đồ của các thương hiệu nội địa cũng như sản phẩm riêng của Walmart. Ngoài ra họ còn tích hợp một plugin mạng xã hội để người dùng chia sẻ hình ảnh và hỏi ý kiến bạn bè xem món đồ có thích hợp hay không. Theo Walmart, khi khách hàng đưa ra được quyết định chính xác hơn, tỷ lệ hoàn đơn sẽ giảm đi.
Theo The Verge, không chỉ Walmart với Zeekit, Snapchat cũng gây sốt cộng đồng khi tích hợp công nghệ thực tế ảo (qua các filter) để người dùng thử các món đồ theo ý thích. Thậm chí mỹ phẩm hoặc các đồ nội thất gia đình cũng có thể “thử” luôn bằng công nghệ này. Hồi tháng 3, Snap đã mua lại Fit Analytics, đối thủ của Zeekit, với giá 124 triệu USD. Đây cũng là một trong những chiến lược thể hiện tham vọng tiến vào ngành thương mại điện tử của Snap.
Những thử nghiệm của các “đại gia” bán lẻ cho thấy các thương hiệu đang rất kỳ vọng vào công nghệ thử đồ ảo này.
Trong khi đó, tháng 6/2022 vừa qua, Amazon đã đăng một bài viết trên blog thông báo rằng người dùng hệ điều hành iOS hiện có thể thử giày trực tuyến mà không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Những khách hàng ở Mỹ và Canada vẫn có thể thử giày của các những thương hiệu như New Balance, Adidas và Reebok. Theo đó, khách hàng chỉ cần hướng máy ảnh vào chân và nhấp qua nhiều loại giày để quan sát chúng từ nhiều góc độ khác nhau. Công nghệ thực tế tăng cường sẽ cho phép khách hàng di chuyển đôi chân cùng với đôi giày ảo đó, họ sẽ được tận mắt nhìn ngắm đôi giày họ thích để biết nó sẽ trông như thế nào.
Ngoài ra, tính năng này còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian khi mà họ có thể nhanh chóng thay đổi màu màu sắc đôi giày trong cùng một không gian trải nghiệm. Nếu vẫn còn phân vân giữa những đôi giày, khách hàng tất nhiên có thể chụp lại hình ảnh và nhờ thêm tư vấn của người thân trước khi chốt đơn. Đặc biệt, Amazon đã xác nhận người dùng hệ điều hành Android cũng sẽ sớm được hỗ trợ tính năng này.
Sẽ mất một thời gian cho việc thu thập dữ liệu từ các phản hồi của khách hàng, nhưng nó sẽ giúp Amazon được liệu tính năng này có đạt được mục tiêu mà họ tạo ra nó hay không, trong số đó là nhằm giúp khách hàng thoải mái và nâng cao khả năng mua hàng hơn, giảm chi phí cửa hàng cũng như nâng cao sự tin cậy của người mua sắm đối với các thương hiệu thời trang do Amazon phân phối.
Những thử nghiệm của các “đại gia” bán lẻ trên cho thấy các thương hiệu đang rất kỳ vọng vào công nghệ thử đồ ảo này. Tuy nhiên các thượng đế dường như không quá mặn mà. Theo một khảo sát của April Bizrates Insights, chỉ có 2% người Hoa Kỳ trưởng thành cho biết họ sử dụng dụng “thường xuyên” công nghệ này để shopping. Còn đến 44% cho biết họ không sử dụng, thậm chí không hứng thú. Vậy nên để phục vụ lợi ích kinh doanh sau cùng, các nhà bán lẻ và các thương hiệu cần phải tìm ra giải pháp để các khách hàng tin tưởng, hoặc ít nhất là thấy hứng thú, với việc thử đồ ảo.