Năm 2023 có thể chứng kiến các ông trùm công nghệ của Trung Quốc xuất hiện trở lại trước công chúng và lên tiếng nhiều hơn, vì chính quyền nước này đã thay đổi lập trường đối với Big Tech, không còn kiểm soát chặt chẽ như 2 năm vừa qua, theo các nhà phân tích.
2 năm qua, các ông trùm công nghệ Trung Quốc đã im hơi lặng tiếng một cách bất thường. Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, không một lần xuất hiện. Wang Xing, Chủ tịch Meituan, không đăng công khai một bài đăng nào trên mạng xã hội trong năm 2022. Chủ tịch Tencent Pony Ma Huateng hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Người sáng lập Alibaba Group Holding, Jack Ma, đã từ chức vài năm trước và vẫn tiếp tục ẩn mình ở Tokyo, Nhật Bản, theo nguồn tin của FT.
Nới lỏng kiểm soát
Việc các sếp công nghệ Trung Quốc rút lui về sau cánh gà xảy ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc tìm cách kiềm chế các đế chế kinh doanh lớn. Đồng thời, ngành công nghệ cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều ông lớn buộc phải thu hẹp quy mô và sa thải nhân viên.
“Năm 2022 là một năm khó khăn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là 'zero Covid'", Angela Zhang, chuyên gia luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết.
Tình hình này có thể sẽ thay đổi. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã dỡ bỏ các biện pháp 'zero Covid', hay ngăn chặn Covid-19 bằng mọi giá.
Hơn nữa, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương gần đây, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của đất nước đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tham gia cạnh tranh quốc tế, một dấu hiệu cho thấy giai đoạn 2 năm giám sát chặt chẽ đã kết thúc, theo SCMP.
Yang Aiyi, nhà phân tích tại China Securities, nói rằng “rủi ro chính sách” đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt. “Các yếu tố trước đây kìm hãm các công ty công nghệ đang dần được nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng và giá trị thị trường của các công ty sẽ tăng trở lại vào năm 2023", Aiyi cho biết.
Các ông chủ công nghệ của Trung Quốc chưa xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu ngay lập tức, nhưng họ đã bắt đầu lên tiếng nhiều hơn. Thông qua các bài phát biểu nội bộ, bằng một cách nào đó bị rò rỉ đến báo chí, các doanh nhân công nghệ của Trung Quốc dần chiếm các tiêu đề trong nước và lên tiếng về ngành công nghệ.
Các sếp công nghệ Trung Quốc bắt đầu lên tiếng
Trong một cuộc họp nội bộ vào tháng trước, sếp Tencent đã cảnh báo nhân viên rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng có thể bị cắt giảm nếu kém hiệu quả. Người sáng lập kiêm chủ tịch JD.com, Richard Liu, nặng lời hơn nữa khi gọi một số giám đốc điều hành của công ty là “những kẻ dối trá” và đe dọa sa thải.
Liu đã ra lệnh cắt giảm 20% lương của khoảng 2.000 quản lý cấp cao để “giảm bớt gánh nặng cho công ty” và hứa sẽ khôi phục mức lương nếu công ty trở lại tăng trưởng nhanh trong hai năm tới.
Người đàn ông 49 tuổi này không xuất hiện trước công chúng, đồng thời từ bỏ nhiều vị trí cấp cao trong công ty, kể từ khi bị buộc tội cưỡng hiếp một sinh viên Trung Quốc ở Minnesota vào năm 2018. Vào tháng 4, Liu từ chức CEO, giao lại vai trò này cho thân tín lâu năm Xu Lei.
Trong một cuộc họp vào tháng 12 vừa qua, Pony Ma, giám đốc điều công ty game và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã chỉ trích một số nhà quản lý của Tencent vì tham nhũng và không tìm cách cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty, theo Jiemian.
Tại cuộc họp, Ma cũng cho biết mảng kinh doanh trò chơi điện tử cốt lõi của Tencent sẽ tiếp tục tồn tại trong một môi trường pháp lý nghiêm ngặt.
Trái ngược với thời kỳ hoàng kim của ngành, khi các ông chủ công nghệ thường xuyên có những bài phát biểu trước công chúng và thậm chí tranh luận với nhau, bây giờ họ sẽ giữ thái độ khiêm tốn và bước đi cẩn thận, theo Zhang.
“Các doanh nhân Trung Quốc rất kiên cường và sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường chính sách mới để doanh nghiệp của họ có thể tồn tại và phát triển ở Trung Quốc”, Zhang nói. Chuyên gia này cũng cho rằng Big Tech Trung Quốc cũng sẽ tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển mới.