Đang sở hữu 10 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn sạch hữu cơ, anh Nguyễn Minh Hiếu, ngụ xã Phước Tín, thị Phước Long, trở thành "tỷ phú" dù tuổi còn rất trẻ.
Anh Hiếu cho biết trong 3 năm đã đầu tư hơn một tỷ đồng mua máy phun xịt thuốc, máy cắt cỏ, hệ thống tưới tự động cho 10 ha sầu riêng với quyết tâm thay đổi cách làm cũ, không phụ thuộc vào thời tiết như những thế hệ đi trước.
“Với nhiều nông dân số tiền hơn một tỷ đồng là con số rất lớn. Ngoài vốn tự có, tôi vay thêm ngân hàng đầu tư khoảng 100 triệu/ha mua máy móc, thiết bị phục vụ tưới tiêu, phun thuốc cho 10 ha sầu riêng. Hiện, công việc tưới nước, phun thuốc cho cây mình có thể chủ động, năng suất cũng tăng khoảng 30% so với trước. Đặc biệt, vườn của tôi đã kiểm soát được độ rít đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu”, anh Hiếu chia sẻ.
Sản xuất sầu riêng siêu sạch
Chưa bằng lòng những tiến bộ kỹ thuật đang có, anh Hiếu còn đang tiếp tục đưa ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (ioT) vào sản xuất để hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây.
“Chi phí đầu vào cao hơn so với cách làm truyền thống, nhưng bù lại nó giúp mình tự quyết được thị trường tiêu thụ mà công nghệ số đem lại. Ước mơ của tôi là xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng rộng hơn để đáp ứng được những thị trường xuất khẩu khó tính nhất”, anh Hiếu mong muốn.
Tương tự, anh Phạm Đình Chung - thành viên hợp tác xã sầu riêng Long Phú, xã Long Tân, huyện Phú Riềng, cũng có gần 2 ha sầu riêng.
Trước đây anh Chung canh tác theo kiểu truyền thống, việc sử dụng bừa bãi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên cây sầu riêng chỉ xanh tốt được trong 3 năm đầu, còn sau đó cây xuống sức, bị sâu bệnh rồi chết dần.
“Mấy năm nay tôi áp dụng khoa học, canh tác theo hướng hữu cơ thì 2 ha sầu riêng cho thu hoạch ổn định, mỗi năm thu lợi không dưới 300 triệu đồng” anh Chung nói và cho biết sầu riêng sạch khi xuất khẩu mới đảm bảo đầu ra lâu dài.
Hiện ở hợp tác xã Nông Thành Phát (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) đã được cấp mã số vùng trồng đợt đầu tiên của tỉnh Bình Phước.
Ông Trần A Sám, Phó chủ tịch hợp tác xã Nông Thành Phát, cho biết có được kết quả đó là thành quả lâu dài của quá trình canh tác hữu cơ đến đạt chuẩn theo các quy định sầu riêng sạch. Nông dân của hợp tác xã giờ có thể nắm vững quy trình trồng, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật như chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đúng quy chuẩn quốc tế.
Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết địa bàn có hơn 3.000 ha cây sầu riêng, trong đó có gần 2.000 ha cây trưởng thành đang cho thu hoạch với sản lượng gần 2.000 tấn trái/năm.
“Địa phương định hướng sẽ phát triển diện tích trồng cây sầu riêng lên 8.000-10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu”, lãnh đạo Sở này nói và cho biết một trong thị trường mà địa phương nhắm đến là xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc.
Tăng diện tích trồng sầu riêng sạch
Cũng theo lãnh đạo sở này, mới đây Trung Quốc đã cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở tỉnh Bình Phước, gồm: Hợp tác xã Phương Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), Nông Thành Phát (huyện Phú Riềng), Bàu Nghé (thị xã Phước Long), Tân Hưng (huyện Hớn Quản) và Công ty Quốc Khánh (huyện Bù Đăng).
Hiện, 11 đơn vị khác ở tỉnh Bình Phước hoàn thiện hồ sơ đăng ký để cấp mã số vùng trồng sầu riêng theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã tại tỉnh Bình Phước đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho trái sầu riêng trên địa bàn sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, địa phương xác định cây sầu riêng là một trong sản phẩm chủ lực xuất khẩu thời gian tới.
“Tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết”, bà Hiền cho biết.