Là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp và dân số già nhất thế giới với 30% người dân trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, Nhật Bản đã và đang phải đối mặt với thách thức tìm người chăm sóc cho số lượng người già ngày càng tăng.
Giải phóng người lao động trong ngành điều dưỡng của Nhật Bản
Theo báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản, ngành chăm sóc sức khỏe của nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên. Theo đó, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sẽ cần thêm gần 690.000 y tá vào năm 2040 để đáp ứng nhu cầu của ngành. Năm 2022, 63% cơ sở chăm sóc báo cáo tình trạng thiếu người chăm sóc - tăng 61% so với một năm trước đó, theo một cuộc khảo sát của Care Work Foundation, một nhóm tư vấn trong ngành.
Vì vậy, đứng trước tình cảnh khó khăn này, Sompo Holdings, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất của Nhật Bản và là nhà điều hành của khoảng 280 viện dưỡng lão trên khắp đất nước, đã chuyển sang sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề. Takako Kojima, quản lý của một cơ sở viện dưỡng lão Sompo ở Tokyo, nhận định các phương pháp phân tích dữ liệu mới đang giúp giảm khối lượng công việc và cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp.
Năm ngoái, tại một cơ sở viện dưỡng lão của mình, Sompo đã trang bị tất cả các giường bệnh các cảm biến đo chuyển động cơ thể, nhịp thở và nhịp tim để đánh giá tình trạng giấc ngủ. Điều này cho phép người chăm sóc có thêm một “trợ lý” mới để dự đoán thời điểm người bệnh có thể cần hỗ trợ trong đêm. Ứng dụng dữ liệu lớn hiện cho phép Kojima và các đồng nghiệp lập kế hoạch phân công nhân viên một cách hiệu quả hơn.
Bà nói: “Thành công này là một bước ngoặt lớn để chúng tôi dựa nhiều hơn vào phân tích dữ liệu. Điều này cũng có nghĩa nhân viên có thể dành hai đến ba giờ mỗi ngày để giao tiếp với bệnh nhân, thay vì phải xử lý các thủ tục giấy tờ hoặc tiến hành các cuộc kiểm tra không cần thiết. Kojima hiện có nhiều thời gian hơn để đáp ứng các yêu cầu của các bệnh nhân chẳng hạn như đi đến công viên gần đó hoặc cùng thưởng thức nhà hàng yêu thích với họ”.
Kojima khẳng định: “Tôi đã nghĩ rằng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu cho từng cá nhân là rất khó khăn do khối lượng công việc của chúng tôi cũng rất lớn, nhưng tôi cảm thấy mình đang tiến gần đến mục tiêu của chúng tôi là dịch vụ chăm sóc lý tưởng”.
Những đổi mới của Sompo là kết quả hợp tác với Palantir, chuyên gia phân tích dữ liệu lớn của Hoa Kỳ, trong đó công ty bảo hiểm đã đầu tư 500 triệu USD vào năm 2020. Theo đó, Palantir đã phát triển một nền tảng phần mềm kết hợp trí tuệ nhân tạo và phân tích với dữ liệu độc quyền liên quan đến tính toán giấc ngủ, chế độ ăn uống, điều trị y tế và tập thể dục.
Sompo nói rằng, bằng cách triển khai công nghệ này, khối lượng công việc trong một viện dưỡng lão có sức chứa 60 người có thể giảm 15% đồng thời giúp cơ sở tiết kiệm đến 60.000 USD chi phí một năm. Dữ liệu cho phép người chăm sóc đưa ra những dự đoán chính xác về tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ hoặc các vấn đề về vận động, từ đó họ có thể lập kế hoạch điều dưỡng cho người cao tuổi để giảm nguy cơ mắc các bệnh đó thay vì chỉ xử lý khi các triệu chứng xuất hiện.
Hệ thống viện dưỡng lão Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ
Tháng 4 năm nay, Sompo bắt đầu bán nền tảng phần mềm của mình cho các công ty khác và dự kiến sẽ có 100 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc người Nhật Bản đăng ký trong năm tài chính tính đến tháng 3/2024.
Ken Endo, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh chăm sóc điều dưỡng và người cao tuổi của Sompo, cho biết “ngành này phụ thuộc 100% vào con người, nhưng không có hệ thống nào giúp bạn đào sâu kiến thức chuyên môn”. Đây là một sự thật khiến ông “ngạc nhiên” khi công ty gia nhập lĩnh vực chăm sóc vào năm 2015.
Ông lập luận rằng việc sử dụng dữ liệu lớn để dự đoán sức khỏe các bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng chăm sóc và cho phép nhân viên “tập trung vào những gì chỉ con người mới có thể làm được”. Ông hy vọng việc cải thiện điều kiện nơi làm việc có thể tạo động lực cho nhân viên và “nâng cao địa vị xã hội của những người chăm sóc”. Ông cho biết: “Chúng ta cần biến công việc chăm sóc thành một nghề hấp dẫn hơn.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế trong năm 2022, mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên chăm sóc, không bao gồm tiền thưởng, chỉ ở mức 1.800 USD, thấp hơn 25% so với mức trung bình quốc gia.
Nhật Bản vận hành một hệ thống chăm sóc người cao tuổi toàn cầu, theo một chương trình bảo hiểm dài hạn được thiết lập từ năm 2000. Người dùng trả khoảng 10% chi phí, phần còn lại do chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, trong khi chính phủ đã tăng phí trả cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc, thế nhưng áp lực từ chi phí an sinh xã hội tăng cũng khiến các viện dưỡng lão khó để tăng lương cho nhân viên.
Kayo Uemura, một cộng tác viên tại Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, tư vấn viên chính phủ về ứng dụng robot trong ngành điều dưỡng, cho biết hàng chục nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản hiện đang chậm chạp trong việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số vì họ thiếu khả năng tài chính. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm: “Nếu Sompo có thể thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn hóa tích hợp công nghệ này, thì họ sẽ làm đảo lộn ngành công nghiệp vốn thường do dự trong việc nắm bắt các công cụ mới”.