Theo CNBC, với nhiều người tiêu dùng Mỹ, thẻ tín dụng đã trở thành phao cứu sinh.
Khi lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ thập niên 80, việc trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn hơn. Nhiều người phải phụ thuộc vào thẻ tín dụng.
Khi chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt, dư nợ thẻ tín dụng đã tăng 13% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm.
Lạm phát, lãi suất đều tăng cao
Dư nợ thẻ tín dụng đã vượt ngưỡng 890 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức kỷ lục hồi năm 2019.
"Nhiều người không thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu nếu không có thẻ tín dụng, nhất là khi lạm phát đẩy giá cả lên cao", ông Allen Amadin - Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch American Consumer Credit Counseling - chia sẻ.
"Người Mỹ đang chật vật trang trải chi phí hàng ngày", ông nói thêm.
Theo một báo cáo của TransUnion, số người sử dụng thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân đã tăng lên mức kỷ lục trong quý II.
Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ đã tăng 8,5% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 9,1% của tháng 6 và dự báo của giới quan sát. Dù thấp hơn dự kiến, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao.
Giá lương thực tăng vọt 10,9% sau 12 tháng, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/1979. Giá năng lượng thấp hơn tháng 6, nhưng vẫn tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang mạnh tay nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Ngân hàng trung ương muốn tăng chi phí đi vay để hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải trả lãi thẻ tín dụng cao hơn.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần trong năm nay với tổng mức tăng là 2,25 điểm phần trăm.
Cuối tháng 7, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, một động thái tương tự hồi tháng 6 và đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.
Lãi suất của hầu hết thẻ tín dụng đều có thể thay đổi và liên quan trực tiếp tới lãi suất chuẩn của FED. Khi lãi suất của ngân hàng trung ương tăng lên, lãi suất cơ bản và lãi suất thẻ tín dụng cũng tăng theo.
Lãi suất thẻ tín dụng trung bình hiện nay vào khoảng 17%, cao hơn đáng kể so với các khoản vay tiêu dùng khác, và được dự báo tăng lên 19% vào cuối năm. Đây sẽ là mức lãi suất cao kỷ lục.
Tìm cách giảm dư nợ
"Việc giảm dư nợ thẻ tín dụng rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính", ông Allen Amadin bình luận. "Hơn bao giờ hết, người Mỹ cần vừa chi trả cho cuộc sống hàng ngày, vừa có thể để tiền tiết kiệm sang một bên", ông nói.
Ông cũng chỉ ra một số bí quyết để giảm dư nợ thẻ tín dụng. Theo vị chuyên gia, đối với những người mới bắt đầu, cách tốt nhất là tự lập bảng theo dõi chi tiêu hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến.
Việc này có thể giúp mọi người nhìn ra mình đang tiêu bao nhiêu tiền cho những khoản nào, từ đó tìm cách phân bổ thu nhập tốt hơn.
Việc giảm dư nợ thẻ tín dụng rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính
Ông Allen Amadin - Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch American Consumer Credit Counseling
Việc theo dõi chi tiêu hàng tháng cũng giúp người tiêu dùng biết bản thân tiêu nhiều tiền nhất vào đâu, và điều này có thể ảnh hưởng đến những mục tiêu dài hạn hay không.
Theo ông Amadin, để giảm dư nợ, hãy cố gắng tạm thời loại bỏ tất cả khoản chi tiêu không cần thiết, chẳng hạn sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến, ăn uống hoặc mua sắm tùy hứng.
Việc cắt giảm chi tiêu sẽ giúp người tiêu dùng có thêm tiền để trả nợ và không làm dư nợ phình to hơn.
Cuối cùng, ông Amadin cho rằng nên trả nhiều hơn số tiền tối thiểu cần thanh toán. Việc thanh toán thẻ tín dụng đúng hạn sẽ giúp khách hàng tránh được các khoản phí và tiền phạt trả chậm. "Tuy nhiên, đừng chỉ trả mức tối thiểu", ông nhận định.
Bởi khách hàng vẫn sẽ phải chịu mức lãi suất cao trên tổng dư nợ. "Việc trả nhiều hơn sẽ giúp số tiền lãi bạn cần trả mỗi tháng giảm đi, từ đó đẩy nhanh quá trình trả nợ", ông Amadin chia sẻ.