Khi Ali Kahlert (30 tuổi, sống tại Minneapolis) bị chẩn đoán nhiễm trùng thận, cùng với việc kê đơn thuốc, bác sĩ đã đặc biệt yêu cầu cô giảm bớt thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
“Cơn đau xảy đến khi tôi đang về nhà để tiếp tục làm việc. Nhưng dù tôi bị bệnh thì thế giới vẫn tiếp tục và công việc vẫn cần phải được hoàn thành”, Ali chia sẻ.
Nhiều người Mỹ đề cao công việc và coi năng suất làm việc như một biểu tượng của danh dự. Trong khi ở châu Âu, có những kỳ nghỉ kéo dài suốt tháng 8, tại Mỹ lại có những ngày nghỉ phép gần như không được dùng, họ thậm chí đi làm ngay cả khi ốm.
Tự mình giành lấy kỳ nghỉ
Alex Soojung-Kim Pang, người tư vấn cho các công ty về cắt giảm giờ làm, nói: “Bạn cần phải giành lấy sự nghỉ ngơi ngay cả khi thế giới đang ngăn bạn làm điều đó. Việc thư giãn sẽ tiếp thêm năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu có thể linh động thời gian làm việc, bạn chỉ nên làm việc liên tục trong khoảng 2-4 tiếng và dừng trong 1-2 tiếng”.
Theo Pang, dù nghe thật viển vông nhưng đây là điều cần thiết với mỗi người. Sở thích hoặc một lịch trình cho cuối tuần có thể là giải pháp để gạt công việc và những thứ gây mệt mỏi sang một bên. Những hoạt động mang tính thử thách hoặc cảm giác mạnh thường sẽ giúp giải tỏa áp lực tốt hơn.
Đối với Tony Metze, mục sư người Luther, việc đạp xe là cách để anh tìm đến sự thoải mái sau giờ làm việc. Mỗi chiều Chủ nhật, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại nhà thờ, anh sẽ dành một tiếng để đạp xe trên những con đường mòn.
“Điều duy nhất bạn cần quan tâm đó là tận hưởng từng làn gió và cảm nhận cơ thể mình đang di chuyển trên chiếc xe đạp và sự yên bình khi cây cối lao vút qua. Tôi coi đó là ngày sabbath (tạm dịch: ngày không làm việc) của mình”, anh nói.
Alex Dahl (26 tuổi, sống tại Ohio, Mỹ) đã bắt đầu áp dụng những ngày sabbath cho riêng mình vào thứ bảy hàng tuần để làm bất cứ điều gì mình muốn. Từ đi tới các cửa hàng, chơi điện tử tới ngắm nhìn cá bơi, anh không làm việc nhà và từ chối những điều mình không thích trong ngày này.
Dahl cho biết: “Tôi đã dành gần như cả tuần để làm những nghĩa vụ không mấy vui vẻ. Tôi chỉ cần một ngày để không cần phải quan tâm đến những thứ đó nữa. Tôi chẳng quan tâm đến việc bát đũa đã được dọn rửa hay chưa. Mọi người có thể cho đó là lười biếng nhưng với tôi, nó đáng giá”.
Chậm lại để nhanh hơn
Christie Aschwanden, tác giả của một cuốn sách về quá trình hồi phục trong thể thao, chia sẻ: “Đôi khi bạn cảm thấy không thể bước tiếp, hãy chậm lại và tạm nghỉ. Rất nhiều người ám ảnh với việc phải tận dụng tất cả thời gian của mình để làm điều có nghĩa. Thế nhưng chúng ta lại quên mất điều quan trọng là để cơ thể được thả lỏng”.
Aschwanden kể về những vận động viên phải tạm dừng sự nghiệp để phục hồi sau chấn thương, đa số họ trở nên khỏe hơn. Khi cơ thể được chăm sóc đúng cách, những tổn thương sẽ lành dần và tốt lên, thậm chí là hơn trước.
Khi Keyana Corliss (37 tuổi), vận động viên chạy, đã nhận được lời khuyên chạy chậm lại để cải thiện tốc độ trên đường đua.
“Tôi đã cảm thấy điều đó như một trò đùa. Tôi đã luôn cố gắng và đối với tôi, bỏ lỡ một ngày thôi cũng là lãng phí”, Corliss nói.
Vậy nhưng từ khi nghe theo lời khuyên, cô đã tự phá kỷ lục của bản thân trong cuộc thi chạy sau đó và quyết định áp dụng triết lý này vào cuộc sống của mình. Là một giám đốc quan hệ công chúng tại một công ty công nghệ, cô đã tìm cách cân bằng thông qua trượt tuyết, đọc sách và dành nhiều thời gian hơn cho con cái.
Dù nghe có vẻ dễ dàng, nhưng việc thả lỏng lại dường như bất khả thi với một số người.
Kevin Haven (38 tuổi), ông bố ba con cho hay: “Đã lâu lắm rồi tôi không nghỉ ngơi”. Ngay cả khi ngồi nói chuyện phiếm, anh cũng không ngừng nhìn xung quanh và để tâm đến việc dọn dẹp lại căn phòng.
Thế nhưng giờ anh cũng tự đặt cho mình một khoảng để thư giãn vào 4h30 mỗi ngày. Sau khi thức dậy, anh sẽ dành một tiếng đồng hồ để ở một mình, uống cà phê và đọc sách trước khi bắt đầu với những bộn bề cuộc sống. Anh bộc bạch rằng đó là khoảng thời gian mang lại nhiều năng lượng hơn cả giấc ngủ.