Theo tờ Financial Times (FT), thành phố Eindhoven nằm ở phía nam Hà Lan là một cái tên lạ hoắc chẳng mấy nổi danh. Diện tích của nó chỉ vào khoảng 88,9 km2, tức bằng 1/37 so với thủ đô Hà Nội, còn dân số chỉ vào khoảng 365.000 người, tức chỉ bằng 1/23 so với Hà Nội.
Tờ FT cho biết Eindhoven là một thành phố nhỏ, kém phát triển cũng như từng bị xóa sổ trong Thế chiến II này lại là trụ sở của ASML, hãng sản xuất thiết bị làm chip nổi tiếng nhất thế giới. Sản phẩm của họ là những thiết bị dùng cho sản xuất chip hay chất bán dẫn dùng cho smartphone, xe điện hoặc tên lửa.
Thành công của Eindhoven lớn đến mức các thành viên Ủy ban Liên minh Châu Âu (EU) đã phải thường xuyên đến thăm nhằm tìm hiểu tại sao một nơi có ngành công nghiệp suy tàn đầu thập niên 1990 trước đối thủ Châu Á lại có thể chuyển mình nhanh đến như vậy với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm.
Các công ty và tổ chức hàn lâm tại Eindhoven chiếm gần 500 bản quyền sáng chế trên mỗi 100.000 đầu người hàng năm, thuộc hàng cao nhất thế giới. Khoảng ¼ tổng ngân sách chi tiêu cho nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân tại Hà Lan, tương đương 3 tỷ Euro/năm, là cho Eindhoven.
ASML
Phần lớn nguồn tài chính đầu tư vào Eindhoven đến từ ASML, tập đoàn sản xuất thiết bị làm chất bán dẫn giá trị nhất thế giới với tổng mức vốn hóa 250 tỷ Euro. Bên cạnh đó, hàng loạt những tên tuổi lớn như Philips, hãng sản xuất chip NXP hay nhà sản xuất xe tải DAF cũng đặt cơ sở tại đây.
Giám đốc Jos Benschop của ASML cho biết Eindhoven đóng vai trò chiến lược trong khả năng tăng trưởng của công ty bởi thành phố này có bề dày kinh nghiệm sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
“Chúng tôi có rất nhiều hợp tác với địa phương này. Mặc dù tập đoàn của chúng tôi hoạt động trên toàn cầu nhưng việc sâu sát với địa phương sản xuất cũng là điều cực kỳ quan trọng”, ông Benschop trả lời phỏng vấn tại trụ sở của ASML ở ngoại ô Eindhoven.
Theo giám đốc Benschop, ví dụ như thiết bị in thạch bản siêu cực tím (EUV) của ASML sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu VDL, một công ty gia đình địa phương ở Eindhoven chuyên giải quyết những thách thức phức tạp về công nghệ.
“Việc phát minh ra thứ mới đã khó thì câu chuyện sản xuất hàng loạt để kinh doanh phát minh này còn khó hơn”, giám đốc Benschop nói.
Những chiếc máy in thạch bản siêu cực tím thuộc hàng hiện đại nhất thế giới của ASML có giá tới 170 triệu USD/chiếc và kể từ năm 2019 đến nay nó đã bị chính phủ Hà Lan cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tờ FT cho biết mới đây, Hà Lan đã đồng ý một thỏa thuận với Mỹ về việc mở rộng phạm vi cấm xuất khẩu, sang cả những thiết bị kém tiên tiến hơn với Trung Quốc, tuy nhiên thông tin cụ thể chưa được chính thức công bố.
Hiện ASML vẫn còn tồn đọng 40 tỷ Euro đơn hàng và đang phải thuê 250 lao động mỗi tháng, đồng thời mở rộng quy mô nhà máy ở Eindhoven để bắt kịp nhu cầu thị trường.
Chuyển mình
Giám đốc Paul van Nunen của Brainport Development cho biết câu chuyện của Eindhoven bắt đầu từ sự trỗi dậy của phong trào khởi nghiệp, vô số những công ty gia đình tại đây bắt đầu bằng những xưởng nhỏ sau vườn nhà với thiết bị thô sơ.
Dẫu vậy, thành phố này cũng có 2 ưu điểm lớn nhất. Một là chính quyền địa phương hiệu quả, biết gom các chính trị gia, công ty và công đoàn thành một khối để tìm kiếm giải pháp. Hai là mảng tập đoàn sản xuất thiết bị chiếu sáng nổi tiếng thế giới Philips, vốn đã đặt nhà máy tại đây kể từ năm 1891.
Năm 1984, ASML dần được thành lập khi có một sự sáp nhập của ASMI, một nhà sản xuất thiết bị làm chip địa phương tại Eindhoven.
Đầu thập niên 1990, tình hình kinh tế dần trở nên khó khăn khi những ông lớn như Philips hay DAF không đấu lại nổi đối thủ từ Châu Á với nguồn lao động giá rẻ và giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.
Ngay lập tức, Thị trưởng thành phố thời đó là Rein Welschen đã mời người đứng đầu tất cả các cơ quan, tổ chức, chuyên gia kỹ thuật, giáo sư trường đại học và giám đốc doanh nghiệp tụ họp tại nhà riêng của mình để tìm giải pháp.
Phòng nghiên cứu của Smart Photonics
Vậy là khi Philips quyết định dịch chuyển trụ sở của mình lên thủ đô Amsterdam vào năm 2001, cả chính phủ lẫn khối tư nhân đã đề nghị công ty để lại phòng nghiên cứu cũng như duy trì hoạt động của các chuyên gia tại Eindhoven.
“Thành phố Endhoven trên thực tế được hưởng lợi lớn từ thỏa thuận này. Trước đây khu nghiên cứu của Philips bị cấm chỉ ra vào ngoài nhân viên của hãng thì giờ đây nó là nơi tự do hợp tác của vô số chuyên gia từ khắp mọi nơi”, ông Nunen nhớ lại.
Khu nghiên cứu của Philips cuối cùng được xây dựng thành High Tech Campus, khu công nghệ cao với hơn 260 tập đoàn nổi tiếng thế giới như TomTom, Siemens, Huawei...
Những doanh nghiệp tại khu công nghệ cao này tập trung phát triển vô số các công nghệ tiên tiến nhất thế giới như mảng trí thông minh nhân tạo (AI), điện toán lượng tử (Quantum Computing), quang tử (Photonic- công nghệ Microchip chạy bằng ánh sáng thay vì điện năng)...
“Đâu là khu vực nghiên cứu những công nghệ tiên tiến nhất thế giới mà tôi từng biết”, CEO Johan Feenstra của Smart Photonics nhận định.
Hãng Smart Photonics đã tận dụng khu vực nghiên cứu cũ để lại của Philips để phát triển dây chuyền sản xuất chip Photon chạy bằng ánh sáng của mình. Những sản phẩm này có thể giảm lượng điện năng sử dụng tại các trung tâm dữ liệu lớn hoặc được dùng ở những khu vực thiếu điện.
Smart Photonics đã gọi vốn thành công 38 triệu Euro từ nhà đầu tư Hà Lan và hiện đang tuyển dụng gần 150 chuyên gia từ 30 nước.
Nhân tài
Nhắc đến chuyên gia và nhân tài thì không thể không nói đến trường đại học kỹ thuật Eindhoven. Người đứng đầu ngôi trường là ông Robert Jan Smits nhận định bí quyết thành công làm nên nhân tài tại đây là học đi đôi với hành. Các sinh viên sẽ tham gia trực tiếp vào những dự án của các công ty, ví dụ như xây dựng cây cầu bằng máy in 3D dài nhất thế giới tại Nijmegen.
“Eindhoven là một thành phố thống nhất giữa các bên liên quan. Tôi không chỉ quản lý trường đại học mà còn trực tiếp tham gia điều hành một số doanh nghiệp, đồng thời cũng góp mặt tại các hội đồng thành phố. Chúng tôi gặp mặt lẫn nhau khá thường xuyên và chỉ cần đạp xe đạp là tôi có thể ghé thăm cơ sở của ASML, Philips hay NXP bất cứ lúc nào”, ông Smits nói.
“Chúng tôi được bầu bởi nhân dân, làm việc vì mọi người. Bởi vậy nhiệm vụ của chúng tôi không phải để những công ty như ASML kiếm được nhiều lợi nhuận hơn mà là thu hút thêm những doanh nghiệp như ASML đến Eindhoven hơn nữa”, ông Smits nhấn mạnh.
Hiện thành phố đang đặt mục tiêu tạo thêm 70.000 việc làm trong 10 năm tới, đồng thời đề nghị chính phủ trung ương cấp ngân sách để mở rộng gấp đôi trường đại học, tăng cường đầu tư bất động sản cũng như cơ sở hạ tầng để phát triển.
“Khi nói về địa điểm cho chiến lược phát triển công nghệ cao tại Châu Âu thì các nhà lãnh đạo EU sẽ nhận thấy họ chẳng có nhiều lựa chọn và một trong số đó là Eindhoven”, Thị trưởng hiện tại Jeroen Dijsselbloem khẳng định.