Từ 30 năm trước, nhà mạng AT&T đã giới thiệu một thiết bị thể hiện tầm nhìn tương lai, cho phép người dùng gọi điện kèm video trực tiếp có tên VideoPhone 2500.
Máy trông giống một chiếc điện thoại bàn có nút bấm cùng thời, nhưng được trang bị máy quay video cá nhân và màn hình LCD 3,3 inch xoay hiện đại. Giải pháp này khác với dòng Picturephones khung hình tĩnh trước đây.
VideoPhone 2500 sử dụng công nghệ nén kỹ thuật số mới nhất tại thời điểm năm 1992, giúp giảm băng thông cần thiết, cho phép truyền video chuyển động đầy đủ qua các đường dây điện thoại analog.
Chỉ cần cắm thiết bị vào chân kết nối điện thoại thông thường, người dùng có thể thoải mái gọi điện kèm video mà không phải trả thêm chi phí. Nó sử dụng modem V.34 tích hợp, truyền ở tốc độ 19,2 Kb/s hoặc 16,8 Kb/s - con số "khủng khiếp" vào giai đoạn đó.
VideoPhone 2500 cung cấp video tốc độ 10 khung hình/giây, hình ảnh bị giật và hơi mờ, nhưng vẫn "chuyển động" thực sự trên màn hình. Đây là một bước tiến lớn về công nghệ so với việc chỉ hiển thị một hình ảnh tĩnh của Picturephones.
"Lần đầu tiên, bạn thực sự có thể thăm ông bà mà không cần rời khỏi nhà", AT&T quảng cáo về tính năng của VideoPhone 2500 vào năm 1992. Họ kỳ vọng thiết bị sẽ thu hút sự quan tâm lớn của người dùng.
Vào thời điểm đó, điện thoại di động vẫn còn sơ khai, phải mất thêm khoảng 10 năm nữa mới được trang bị camera. Đương nhiên không có dịch vụ nào tương tự Skype, Zoom hay FaceTime hiện nay. Do đó, VideoPhone 2500 là một sự đột phá về công nghệ.
Tuy nhiên, vấn đề với sản phẩm này là nó hoàn toàn vô dụng nếu không có một chiếc VideoPhone 2500 khác ở đầu dây bên kia. Trên thị trường không có bất kỳ thiết bị nào tương thích. Thời điểm ra mắt, AT&T bán với giá 1.599 USD /chiếc, sau đó giảm 150 USD nếu người dùng mua 2 máy. Một lựa chọn khác là thuê với giá 30 USD /ngày.
Trong tài liệu tiếp thị, VideoPhone 2500 có thêm tính năng cho phép người dùng tự xem trước hình ảnh của họ trước khi gọi video. Theo Slash Gear, dường như nó không mang lại tác dụng thực tế gì.
Với nhiều trở ngại khác nhau, VideoPhone 2500 không được thị trường chào đón như kỳ vọng của nhà sản xuất. AT&T ngưng bán dòng máy này từ 1995. Một chiếc được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Mỹ nhưng cũng không trưng bày.