Người sếp độc hại có thể khiến cuộc sống nhân viên trở nên khốn khổ hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Làm việc với một người không nói chuyện rõ ràng hay nói dối trắng trợn về các vấn đề lớn, nhỏ liên quan đến công việc có thể khiến bạn liên tục gặp khó khăn hoặc hoàn toàn bất ngờ khi có sự cố xảy ra.
Không khoa học thực sự nào hiểu được ngôn ngữ cơ thể hoặc giải thích các dấu hiệu bằng lời nói để biết ai đó đang nói dối. Tuy nhiên, theo Lifehacker, một số hành vi, chiến thuật quản lý tại nơi làm việc có thể chỉ ra sếp của bạn đang giấu giếm thông tin hoặc cố gắng che giấu sự thật.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy sếp bạn có điều gì đó đáng nghi.
Nói chuyện mơ hồ, không chắc chắn
Nếu sếp của bạn không chịu trách nhiệm về mọi việc, khi nói chuyện, họ có lẽ xưng “chúng tôi” thay vì “tôi”. Ngoài ra, họ có thể từ chối cung cấp thông tin cụ thể về lịch trình và các hạng mục. Họ có thể đang trốn tránh sự thật.
Ví dụ, nếu bạn hỏi về tiến độ cho một chương trình khuyến mãi và sếp trả lời: "Chúng tôi sẽ xem xét nó”. Tương tự, các cụm từ như “có lẽ” hoặc “theo như tôi biết” có thể biểu thị sự tránh né.
Không bao giờ giao tiếp bằng văn bản
Đối với cuộc trò chuyện về các chủ đề không thoải mái hoặc một trải nghiệm tiêu cực, chúng ta cần đối mặt trực tiếp để bàn. Nhưng nếu sếp của bạn từ chối thực hiện bất kỳ cam kết hay yêu cầu nào qua email hoặc giao tiếp bằng văn bản nào khác, đặc biệt là khi được hỏi, họ có thể đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm giải trình cho câu trả lời.
Đưa ra những thông tin trái ngược nhau
Nếu sếp nói với bạn cái này nhưng lại nói với đồng nghiệp bạn cái khác hoặc đưa ra thông tin trái ngược giữa các nhóm, họ có thể cố ý gây hiểu lầm hoặc đơn giản là không thể giấu được sự hoang mang của mình.
Đưa ra phản hồi không liên quan
Một phần công việc của sếp là đưa ra ý kiến phản hồi để khuyến khích bạn phát triển. Không phải tất cả nhà quản lý đều giỏi kỹ năng này. Trong hầu hết trường hợp, điều này không cho thấy họ đang nói dối.
Nhưng nếu sếp của bạn từ chối đưa ra thông tin cụ thể hoặc phản hồi mà dường như áp dụng cho người khác, họ có thể đang tránh một cuộc trò chuyện khó khăn.
Yêu cầu bạn không chia sẻ mọi thứ với đồng nghiệp
Trong một số tình huống bạn muốn giữ kín những thông tin nhạy cảm tại chỗ làm, nhưng nếu sếp của bạn liên tục yêu cầu bạn giữ bí mật với đồng nghiệp, họ có thể đang cố gắng che giấu điều gì đó.
Tránh họp mặt với nhóm
Nếu sếp từ chối họp với các nhóm lớn ngay cả khi được yêu cầu hoặc cần thiết, thay vào đó tổ chức một loạt các cuộc họp riêng lẻ, họ có thể cố gắng tránh những cuộc trò chuyện và tránh đối mặt với những vấn đề cần biểu quyết số đông.
Tuy nhiên, không điều nào ở trên đảm bảo đúng 100%. Có thể, sếp của bạn chỉ là một người quản lý hoặc giao tiếp kém hay hành động đó chỉ liên quan đến họ chứ không liên quan gì đến bạn. Hoặc có thể, hành vi này chỉ là chuẩn mực của họ.
Nếu rõ ràng sếp của bạn đang nói dối bạn, hậu quả có thể mang tính chất phạm tội, bạn nên nói ra càng nhanh càng tốt và có thể tham khảo ý kiến luật sư.
Mặc khác, nhân viên có cả cách tiếp cận phản ứng và chủ động để đối phó với hành vi lừa dối. Theo bài báo trên tạp chí Kinh doanh Harvard, tác giả, nhà tư vấn Pamela Meyer đề nghị người đi làm bắt đầu với phân tích lợi ích và cái giá của hành vi nói dối của sếp xem liệu nó có đáng để họ gánh chịu hậu quả từ việc đó không.
Nếu bạn muốn phản hồi, trước tiên hãy xem xét động cơ nói dối của sếp, sau đó tiếp cận họ với sự tò mò thay vì buộc tội. Có thể, ý định của họ là tốt ngay cả khi chiến thuật của họ không phải như vậy.
Để loại bỏ các hình thức lừa dối khi bắt đầu, bà Meyer khuyên bạn nên xây dựng mối quan hệ bền vững tại nơi làm việc bằng cách chú ý, theo dõi đến từng chi tiết. Nếu bạn nhận thấy các hình thức gian dối trong giao tiếp hoặc hành vi, hãy lưu lại bằng chứng.